Một bộ phim mới vừa được trình chiếu lần đầu tiên trong tuần này tại
Nam Triều Tiên đã bi kịch hóa những gian khổ mà hàng chục ngàn người
đào tỵ Bắc Triều Tiên phải đối phó, khi rời bỏ nhà cửa để thoát cảnh
nghèo khó và tình trạng bị đàn áp ở quê hương của họ. Những người Triều
Tiên hoạt động tích cực để bênh vực nhân quyền nói những xúc cảm mạnh
mà bộ phim gây ra nơi khán giả có thể thu hút sự chú ý của cả thế giới
đến vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Kurt
Achin tường trình về buổi ra mắt phim. Mời quý vị theo dõi các chi tiết
sau đây:
Một cuộc vượt thoát qua sông từ Bắc Triều Tiên, rồi sau
đó là một thời kỳ đầy tuyệt vọng trong khi những người đào tỵ ẩn trốn
trên lãnh thổ Trung Quốc. Đó là những cảnh trong bộ phim mới của Nam
Triều Tiên, mang tên là Crossing, xin tạm dịch là 'Cuộc Vượt Thoát',
thế nhưng đối với nhiều người Bắc Triều Tiên, thì những cảnh ấy giống
những cảnh thực đã xảy ra và được in sâu trong ký ức của họ, để rồi đôi
khi bất chợt hiện về trong tâm trí.
Nhân vật chính trong bộ
phim, một người đào tỵ Bắc Triều Tiên tên Yong Soo, không thể tìm được
thuốc để trị bệnh cho vợ tại đất nước nghèo khó và bị cô lập của ông.
Thế là anh quyết định để lại đứa con trai nhỏ ở lại để vượt biên giới
bất hợp pháp sang Trung Quốc. Cảnh hai cha con xa nhau là một trong
những cảnh gây nhiều xúc động mà gia đình này sẽ phải chịu đựng.
Người
ta tin rằng có ít nhất 100,000 người Bắc Triều Tiên đã thực hiện một
cuộc vượt biên tương tự sang Trung Quốc. Bắc Kinh không cấp cho họ quy
chế tỵ nạn, và những người đào tỵ sống trong tình trạng phập phồng lo
sợ rằng công an Trung Quốc sẽ gửi trả họ về lại Bắc Triều Tiên để bị
hành quyết, hoặc bị tống giam trong các trại cưỡng bách lao động.
Sự
trung thực của bộ phim về những thống khổ của người Bắc Triều Tiên và
những xúc cảm mạnh đối với khán giả rất hiếm thấy trong một bộ phim lớn
của Nam Triều Tiên.
Các vấn đề chính trị không được bộ phim nêu
bật, mà chỉ thấp thoáng sau hậu cảnh, tuy nhiên, bộ phim không nương
tay khi chiếu những cảnh bạo tàn dưới tay chế độ độc tài miền Bắc.
Diễn viên Cha In-pyo, tài tử đóng vai Yong, nói vai trò này đã mở mắt anh về những gian khổ của người dân Bắc Triều Tiên.
Diễn
viên Cha nói: "Tôi nhận thức được mình không biết gì về những chịu đựng
gian khổ của anh chị em chúng tôi ở Bắc Triều Tiên. Giờ đây tôi đã biết
rồi, tôi không thể khoanh tay ngồi yên mà nhìn. Tôi cần phải làm một
cái gì đó."
Trong 10 năm qua, chính phủ Nam Triều Tiên đã cố làm
giảm nhẹ tầm nghiêm trọng của các vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên,
trong khi chính quyền miền Nam đeo đuổi chính sách hòa giải với Bình
Nhưỡng. Đạo diễn Kim Tae-gyun nói phần lớn tiến trình sản xuất bộ phim
của ông đã được thực hiện trong vòng bí mật.
Ông Kim cho biết:
"Tôi không muốn chính phủ can thiệp vào chuyện này. Tôi cũng không muốn
phương hại đến những hoạt động của những nhóm đã giúp đỡ những người
đào tỵ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc."
Những người đào tỵ Bắc
Triều Tiên đã ca ngợi tính trung thực của bộ phim, kể cả việc sử dụng
thổ ngữ Bắc Triều Tiên. Thế nhưng người Bắc Triều Tiên mà cuộc đời đã
gợi cảm hứng để dựng chuyện trong phim, đã từ chối không đi xem bộ phim
này.
Ông Yoo Sang Joon nói những ký ức về những gì thực sự xảy
ra trong cuộc vượt thoát của chính ông, đã khiến ông lâm bệnh trầm uất,
và đi xem bộ phim Crossing, chỉ làm cho bệnh của ông thêm trầm trọng
hơn.
Ông Yoo nói: "Tôi không muốn đi xem phim. Tốt hơn hết là
nên quên đi quá khứ. Tôi chỉ yêu cầu mỗi một điều, đó là bộ phim này sẽ
giúp mọi người hiểu được những gian khổ mà người Bắc Triều Tiên đang
trải qua, và sự thực về bản chất của nước Bắc Triều Tiên."
Nhưng
bất chấp những gì ông phải chịu đựng, ông Yoo vẫn hoạt động tích cực
trong việc giải cứu những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc.
Một
số các nhà hoạt động tích cực bênh vực nhân quyền người Bắc Triều Tiên
khác đang hoạch định tổ chức một số sinh hoạt để giới thiệu phim
Crossing, 'Cuộc Vượt Thoát', đến khán giả trên khắp thế giới.