Đường dẫn truy cập

Iran lạc quan về sự hiện diện của Mỹ trong cuộc đàm phán sắp tới


Ngoại trưởng Iran tuyên bố rằng sự tham gia của Mỹ trong cuộc đàm phán sắp tới với Iran về vấn đề hạt nhân là một diễn tiến tích cực và ông dự kiến sẽ đạt được tiến bộ. Tuyên bố của ngoại trưởng Manoucher Mottaki được đưa ra tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm nay, một ngày sau khi Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ cho biết rằng sự tham dự của Thứ trưởng ngoại giao Nicholas Burns có mục đích bày tỏ hậu thuẫn cho một giải pháp ngoại giao đối với vụ tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết sau đây, dựa theo tường thuật của thông tín viên Bill Rodgers của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Phát biểu ngày hôm nay tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng Mottaki của Iran nói rằng tiến trình mới của cuộc thương thuyết báo hiệu những diễn tiến tốt đẹp cho tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng là bầu không khí tích cực sẽ được phản ánh trong cuộc đàm phán diễn ra vào thứ bảy tuần này tại Geneve, với sự tham dự của ông Nicholas Burns - Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Javier Solana, Ủy viên chính sách đối ngoại của Liên hiệp Âu châu, và ông Saeed Jalili, thương thuyết gia trưởng của Iran về vấn đề hạt nhân. Ngoài ra, ông Mottaki cũng đề cập tới việc có thể thương thuyết với Hoa Kỳ về việc thiết lập một sự hiện diện ngoại giao ở Tehran và mở đường bay trực tiếp giữa hai nước.

Quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Iran đã bị cắt đứt sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và vụ bắt giữ các con tin người Mỹ. Cho đến nay, chính phủ của Tổng thống Bush vẫn từ chối không chịu tiếp xúc trực tiếp với Iran về vấn đề hạt nhân nếu Iran không đồng ý ngưng chỉ chương trình tinh luyện uranium. Vì thế cho nên, nhiều người cho rằng việc chính phủ Mỹ phái ông Burns đến dự cuộc họp ở Geneve là một diễn tiến quan trọng. Ông John Calabrese, một chuyên gia về Iran của Viện Trung Đông ở Washington, giải thích như sau.

Ông Calabrese nói: "Theo cái nhìn của Iran thì biểu tượng và dấu hiệu là những thứ có tác dụng, bất kể là Hoa Kỳ có cố ý đưa ra những thứ này hay không. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lưu ý tới sự diễn giải của Iran và chờ xem diễn tiến này có thể phá vỡ sự bế tắc hiện nay và đưa chúng ta vào một tiến trình đàm phán lâu dài và khó khăn hay không."

Cho đến nay, Iran vẫn từ chối không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ cho là chỉ dùng cho các mục đích hòa bình. Ba đợt chế tài của Liên Hiệp Quốc vẫn không làm cho chính phủ ở Tehran thay đổi lập trường.

Ông John Bollton là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và đang làm việc cho một tổ chức nghiên cứu ở Washington có tên là Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông Bolton nói rằng quyết định phái thứ trưởng Burns đến Geneve là một quyết định sai lầm.

Ông Bolton nói: "Qua việc đưa một người đại diện của Mỹ ngồi vào bàn họp, chúng ta thừa nhận rằng Iran có quyền điều đình mà không cần phải tạm ngưng chương trình tinh luyện hạt nhân. Chính phủ của Tổng thống Bush nói rằng đây chỉ là đề xuất một lần duy nhất và ông ấy sẽ không nói gì cả tại cuộc họp. Nhưng như vậy thì chẳng khác gì chúng ta gởi tới đó một tấm cạc tông cắt theo hình ông Burns với một máy ghi âm gắn ở sau lưng. Điều đó thật ra chỉ để che đậy sự thay đổi chính sách 180 độ của chính phủ Mỹ và là một thắng lợi đáng kể của Iran."

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Calabrese của Viện Trung Đông, bước tiến của phía Hoa Kỳ có thể buộc Tehran phải trả giá cao hơn cho những hành động của mình.

Ông Calabrese nói: "Quyết định này có thể là một thủ thuật chính trị rất khôn khéo vì nó sẽ đặt trái banh vào sân của đối phương, và cho thấy một cách rất rõ ràng là chúng ta sẵn sàng gặp gỡ và thảo luận ở cấp cao nhất, và chờ xem đối phương có hành động đáp lại hay không. Bởi vì nếu họ không đáp lại thì mọi người sẽ thấy rõ là những trở ngại cho tiến bộ, cho công cuộc xây dựng niềm tin là do phía Iran, chứ không phải phía Mỹ, gây ra."

Hồi đầu tháng này, thương thuyết gia trưởng của Liên hiệp Âu châu, ông Javier Solana đã đến Tehran để trình bày với Iran một kế hoạch khích lệ của Hoa Kỳ và 5 nước khác là Trung quốc, Nga, Anh, Pháp, và Đức. Kế hoạch này bao gồm đề nghị "tiếp xúc và đối thoại trực tiếp" với Tehran nếu họ ngưng chương trình tinh luyện uranium.

Sau khi có tin về cuộc họp cấp cao với Hoa Kỳ, một số người Iran ở thủ đô Tehran bày tỏ hy vọng là vụ tranh chấp hiện nay sẽ có được một giải pháp êm thắm.






Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG