Đường dẫn truy cập

Mỹ cam kết loại bỏ các trở ngại cho hiệp định hạt nhân với Ấn Ðộ


Chính phủ của Tổng thống Bush cho biết sẽ cố gắng hết sức để loại bỏ những trở ngại còn lại cho thỏa ước hợp tác về hạt nhân. Chính phủ Ấn Độ đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội về vấn đề này, mặc dù thắng lợi của thủ tướng Manmohan Singh đã bị lu mờ trước những lời cáo buộc hối lộ. Nhưng các giới chức thừa nhận rằng quốc hội Hoa Kỳ không còn nhiều thời gian để hành động. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thông tín viên David Gollust của đài VOA ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các giới chức chính phủ cảm thấy nhẹ nhàng sau khi tình trạng bế tắc tại Quốc hội Ấn Ðộ được khai thông, nhưng họ nói rằng không có bảo đảm nào là kế hoạch vẫn có thể được chấp thuận trong năm nay tại Quốc hội Hoa Kỳ, đang sắp nghỉ họp sớm vì là năm bầu cử.

Thỏa thuận về hạt nhân, đã đạt được giữa hai chính phủ vào năm 2005, đã là một ưu tiên về chính sách đối ngoại của Tổng thống Bush trong nhiệm kỳ thứ hai.

Thỏa ước này cho phép Ấn Ðộ tiếp cận với kỹ thuật và nguyên liệu về hạt nhân của Mỹ, mặc dù Ấn Ðộ không ký tên trong thỏa ước cấm phổ biến võ khí hạt nhân. Ấn Ðộ sẽ mở cửa các trung tâm hạt nhân dân sự cho quốc tế thanh sát.

Thắng lợi của Thủ tướng Manmohan Singh trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã kết thúc tình trạng bế tắc với các đảng tả khuynh trong quốc hội Ấn Độ khiến cho việc thực thi thỏa ước phức tạp này bị chậm trễ nhiều tháng so với kế hoạch đã định.

Trước khi quốc hội Hoa Kỳ có thể chấp thuận việc thực thi dự luật, thỏa ước này còn phải được thông qua bởi cả hai Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế hay gọi tắt là IAEA và 45 quốc gia trong nhóm cung cấp các trang thiết bị hạt nhân, còn gọi tắt là NSG, là khối kiểm soát việc buôn bán các lò phản ứng và nhiên liệu uranium.

Trong một buổi thuyết trình, quyền phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Gonzalo Gallegos cho biết chính phủ của tổng thống Bush sẽ làm việc để thúc đẩy thỏa ước này, nhưng ông nói rằng còn phải chờ xem có đủ thời gian hay không, nhất là tại quốc hội Hoa Kỳ, vì cơ quan này dự định kết thúc khóa họp trước ngày 26 tháng 9.

Ông Gallegos nói: “Chúng tôi sẽ thông báo với quốc hội về tầm mức quan trọng đối với Hoa Kỳ mà chúng tôi gán cho dự luật này, về tầm mức quan trọng mà chúng tôi tin rằng đối tác sách lược này sẽ có đối với Ấn Độ, đối với chúng ta, và đối với tất cả những ai quan tâm đến an ninh trên khắp thế giới. Chúng tôi hiểu rằng thời gian rất cấp bách. Chúng tôi phải đối phó với tình huống thực tế. Nhưng chúng tôi trông đợi sẽ xúc tiến mọi việc và sẽ tiến hành nhanh hết sức mình.”

Các quy định lập pháp đòi hỏi thỏa ước với Ấn Ðộ phải được đệ trình trước quốc hội 30 ngày liên tục khi có sinh hoạt của quốc hội trước khi biểu quyết, và thời điểm 30 ngày này chỉ được tính sau khi được cả IAEA và NSG chấp thuận.

Một nhân vật quan trọng của đảng dân chủ tại quốc hội, ông Ed Markey, chủ tịch của ủy ban lưỡng đảng tại hạ viện đặc trách vấn đề cấm phổ biến hạt nhân, đã tuyên bố hồi đầu tháng rằng đơn giản là không còn đủ thời gian và những hy vọng của chính phủ chỉ là chuyện hão huyền.

Thỏa ước với Ấn Ðộ được sự ủng hộ rộng rãi nhưng một số thành viên của cả hai đảng, kể cả ông Markey, cho rằng hiệp ước này gây phương hại cho Hiệp Ước Cấm Phổ biến võ khí hạt nhân.

Các lãnh tụ đảng dân chủ nói rằng họ sẽ chống đối việc tái nhóm Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11, một phần vì họ trông đợi các thắng lợi của đảng dân chủ và không muốn kéo dài kéo dài thêm Quốc hội hiện nay nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG