Các thị trường tài chính của Mỹ và của quốc tế hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát 2 định chế tài chính đang tài trợ cho gần phân nửa số người Mỹ vay tiền để mua nhà, vì 2 định chế này đang có vấn đề. Theo tường trình của Thông Tín Viên đài VOA Paula Wolfson, lý do mà chính phủ Mỹ phải miễn cưỡng nắm giữ 2 định chế này là để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hai định chế tài chính Fannie Mae và Freddie Mac là những chủ thể được Quốc Hội Hoa Kỳ lập ra để tài trợ và bảo đảm cho các món nợ vay mua nhà trên khắp nước Mỹ.
Mặc dù do chính quyền thành lập, 2 chủ thể này tổ chức và hoạt động giống như các công ty tư nhân, vì cũng có cổ đông góp vốn và cũng có Hội đồng quản trị. Do đó, ta có thể tạm gọi đây là 2 đại công ty chuyên cho vay tiền mua nhà.
2 đại công ty này đã suy yếu nặng nề trước tình hình xáo trộn của thị trường nhà đất tại Hoa Kỳ, và sự xáo trộn này được biểu hiện qua những vụ nhà cửa bị ngân hàng chủ nợ tịch biên. Một biểu hiện khác, là giá nhà xuống dốc thê thảm trên khắp nước Mỹ.
Là những người đứng ra bảo đảm cho những người vay tiền mua nhà, nếu 2 đại công ty Fannie Mae và Freddie Mac mà thua lỗ thì hậu quả của chuyện này đối với tình hình kinh tế Mỹ - và cả kinh tế thế giới - sẽ vô cùng nghiêm trọng. Do đó chính phủ Mỹ phải hành động bằng cách nắm quyền kiểm soát để cứu nguy.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, bà Dana Perino nói rằng chính quyền của Tổng Thống Bush không còn chọn lựa nào khác.
Bà Perino giải thích: “Đây không phải là hành động mà chính phủ muốn tiến hành. Đó là hành động mà chính phủ buộc lòng phải thực hiện.”
Bà Perino còn nói rằng từ nhiều năm qua, Tòa Bạch Ốc đã nhận được nhiều đề xuất cần phải cải tổ 2 đại công ty đó. Lẽ ra, chính phủ có thể khỏi phải ra tay nếu như Quốc Hội chú ý đến đề nghị của chính phủ là cần có một cơ chế điều tiết độc lập và đủ mạnh để giám sát 2 đại công ty đó.
Bà Perino nói: “Chắc quí vị còn nhớ là chính phủ đã nhấn mạnh đến toàn bộ những rủi ro mà Fannie Mae và Freddie Mac có thể gây ra, bởi vì họ đóng vai trò rất lớn trên các thị trường nhà cửa, và bởi vì lề lối, cung cách làm ăn của họ.”
Bà Perino nói rằng Tổng Thống kế tiếp của Hoa Kỳ và Quốc Hội sẽ quyết định số phận chung cuộc của 2 đại công ty này, nhưng trước mắt, chính phủ cần phải giúp hồi phục thị trường nhà cửa nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Bà Perino cho biết Tổng Thống Bush vốn không chủ trương để cho chính quyền đích thân ra tay cứu nguy các đại công ty theo kiểu này, nhưng cuối cùng ông cũng đành phải miễn cưỡng chấp nhận và xem đó là giải pháp cuối cùng.
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, châu Á và châu Âu đã tăng vọt trước tin chính phủ Mỹ can thiệp vào 2 đại công ty này. Trung Quốc và Nhật Bản, 2 nước mua nhiều cổ phần nhất của Freddie Macvà Fannie Mae, đã ca ngợi hành động này.
Nhưng ông Jean-Claude Trichet, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của châu Â, tỏ ra dè dặt hơn. Ông nói rằng mặc dù châu Âu hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ nhưng thị trường tín dụng toàn cầu vẫn còn đứng trước nhiều rủi ro.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1