Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đòi phải có thêm các biện pháp bảo vệ cho người thọ thuế và quốc hội phải được quyền giám sát nhiều hơn kế hoạch đang được đem ra thảo luận để cứu nguy các định chế tài chính của Hoa Kỳ. Từ trụ sở quốc hội, Thông tín viên đài VOA Dan Robinson tường trình rằng các nhà lập pháp của đảng Dân Chủ và một số của đảng Cộng Hòa cũng lên tiếng bất đồng về kế hoạch nguyên thủy do chính quyền của tổng thống Bush đề nghị.
Các nhà lập pháp đã nêu lên những quan ngại của họ trong lúc các cuộc thương thuyết với chính quyền của tổng thống Bush vẫn đang tiếp diễn, và rằng bản sơ thảo về dự luật này mà quốc hội có thể cứu xét sớm nhất là vào thứ tư đã được luân lưu.
Theo dự luật mà quốc hội sẽ cứu xét, chính phủ liên bang sẽ chi hàng trăm tỉ đô la để mua lại những tài sản bị mất giá, nhất là những khoản nợ mua nhà không trả được khiến cho các công ty tài chính bị lụn bại.
Cầm trong tay một bản sơ thảo dài 3 trang của đề nghị nguyên thủy được Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson trao cho quốc hội, dân biểu Peter DeFazio nói rằng đề nghị này nếu đem áp dụng sẽ đặt người thọ thuế tại Hoa Kỳ vào một vị trí hết sức bất trắc.
Dân biểu DeFazio nói: “Ông bộ trưởng Paulson muốn đưa ra đề nghị mà may lắm thì một ngày nào đó số tiền thuế do dân đóng để chi vào việc này sẽ được hoàn lại, nhưng có phần chắc là sẽ không thực hiện được điều này. Chúng tôi cần phải được bảo đảm chắc chắn. Giờ đây những trái phiếu do chính phủ bảo đảm đã không còn giá trị nữa, trái phiếu 1 đô la chỉ còn 22 cents.”
Người ta còn nghe thấy cả những lời chỉ trích từ phía các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, như dân biểu Cliff Stearns. Ông nói rằng đề nghị nguyên thủy dự tính trao cho Bộ trưởng Tài chính một quyền hạn chưa từng có trước đây trong khi lại không đưa ra các đề nghị giám sát. Dân biểu Stearns đưa ra lời báo động về phí khoản to lớn của đề nghị.
Dân biểu Stearns nói: “Kế hoạch này làm tăng thêm nợ nần của quốc gia lên đến 11.300 tỉ đô la trong khi nó lại cho phép các ngân hàng nước ngoài đang nắm giữ những khoản nợ xấu của Hoa Kỳ được hưởng lợi từ kế hoạch cứu nguy này. Kế hoạch này qui tụ những yêu tố tạo nên một vụ cứu nguy đắt giá nhất trong lịch sử , thế nhưng nó lại không làm gì để bảo vệ người thọ thuế.”
Mô tả đề xuất của hành pháp như là điểm khởi đầu, thay vì là quyết định chung cuộc, Thượng Nghị Sĩ Harry Reid, lãnh tụ phe Dân Chủ đa số tại Thượng Viện nhắc lại là những dự luật đưa sang cho Quốc Hội phê chuẩn cần phải đáng tin tưởng:
Thượng nghị sĩ Reid nói: “Chúng ta sẽ không vì vội vàng mà bỏ qua óc phán đoán cẩn thận trong quá trình làm luật. Chính quyền của Tổng Thống Bush kêu gọi Quốc Hội chấp nhận dự luật cứu nguy mà không có tranh luận hoặc nỗ lực nghiêm túc để cải thiện nó. Chúng ta không thể để cho điều đó xảy ra.”
Giữa lúc công luận hết sức bất bình vì ban Giám Đốc các công ty thua lỗ được trả lương nhiều triệu đôla, các nhà làm luật đã thêm vào dự luật điều khoản buộc phải đặt ra giới hạn lương bổng cho ban Giám Đốc.
Các nhà làm luật nói rằng họ hy vọng Hạ Viện và Thượng Viện có thể xét và thông qua các luật tương tự trong vài ngày tới đây.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm thứ hai tại New York, Chỉ số Dow Jones giảm mất 371 điểm, phản ánh tình trạng thị trường tiếp tục bấp bênh vì chưa có quyết định dứt khoát và chưa có luật lệ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.