Đường dẫn truy cập

Phản ứng của Ủy ban Bảo vệ ký giả đối với vụ phóng viên AP


Thưa quý vị, mới đây tin về vụ Hãng Thông Tấn AP cáo buộc rằng Trưởng Đại Diện của họ tại Hà Nội, là ông Ben Stocking, đã bị công an Việt Nam hành hung trong khi đang tác nghiệp đã gây được sự chú ý của dư luận, bên lề những diễn tiến đang xảy ra tại Tòa Khâm Sứ cũ và giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội. Một số tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí, kể cả Ủy Ban Bảo Vệ các Nhà Báo đã ra thông cáo phản đối chính quyền Việt Nam về vụ này.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam khẳng định không hề có chuyện hành hung nhà báo Ben Stocking, và đã mời nhà báo này đến làm việc để cảnh cáo ông vi phạm luật pháp Việt Nam. Ban Việt Ngữ đài VOA đã tiếp xúc với Ủy Ban Bảo Vệ các Nhà Báo ở New York để tìm hiểu phản ứng của họ liên quan tới vụ việc này.

Sau đây là một số chi tiết trong câu chuyện giữa Hoài Hương với ông Bob Dietz, Phối Hợp Viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ các Nhà Báo. Mời quý vị theo dõi.

Dư luận chú ý đến vụ việc này là bởi vì chuyện một nhà báo nước ngoài bị đánh đập ở Việt Nam là điều hiếm thấy, hầu như chưa hề xảy ra. Một số tờ báo ở Hoa Kỳ đã đăng lại bài viết của AP đánh đi từ Bangkok ngày 20 tháng 9, khẳng định Hãng Thông Tấn AP vẫn duy trì cáo buộc rằng phóng viên Ben Stocking đã bị công an Việt Nam hành hung và cầm giữ trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Phối hợp viên Chương Trình Châu Á Bob Dietz nói Ủy Ban Bảo Vệ các Ký Giả tin vào nguồn tin của AP.

Ông Bob Dietz: “Theo hãng thông tấn AP thì ông Bob Dietz đã bị đấm, bị bóp nghẹt cổ, và bị đánh vào đầu, nói chung là bị đối xử mạnh tay bởi những người đã bắt giữ ông. Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả chúng tôi phải dựa trên các nguồn tin đó. Chúng tôi cũng đã xem qua đoạn video trên YouTube về những gì xảy ra ngay trước khi Ben bị bắt, và những gì chúng tôi xem được cho thấy một hình ảnh không mấy đẹp về Việt Nam.”

Tuy nhiên, đại diện của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả nói nên đặt vụ rắc rối này vào một bối cảnh tổng quát hơn, ông Bob Dietz nói trong trường hợp nhà báo Stocking, có lẽ công an Việt Nam đã phản ứng hơi quá tay, thế nhưng quan trọng hơn là vấn đề liên quan tới thái độ của nhà nước Việt Nam đối với giới truyền thông nói chung.

Ông Bob Dietz nhấn mạnh rằng công tâm mà nói, thì đa số các phóng viên nước ngoài làm việc tại Việt Nam không tác nghiệp trong bầu không khí lo âu sẽ bị chính quyền tấn công như nhà báo của AP vừa rồi.

Ông Bob Dietz: “Vụ hành hung nhà báo Stocking là một trường hợp bất thường. Nhưng điều mà chúng ta đã chứng kiến với chính phủ Việt Nam là từ khi được gia nhập WTO, các nhà báo Việt Nam đã bị hạn chế hơn trước, trong khi trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Việt Nam đã hứa sẽ có thái độ cởi mở đối với giới truyền thông, và nới rộng quyền tự do báo chí, điều đó đã không xảy ra.”

Ông Bob Dietz nói mặc dù Việt Nam đã đặt ra một số hạn chế đối với phóng viên nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhưng ông không nhớ được bất cứ vụ rắc rối nào trong đó một nhà báo nước ngoài đã bị dùng vũ lực tấn công như lần này.

Được hỏi về những biện pháp hạn chế hoạt động của các ký giả nước ngoài, ông Bob Dietz giải thích.

Ông Bob Dietz: “Vâng, những hạn chế đó là về vấn đề đi lại, về việc tiếp cận các quan chức chính phủ, và nói chung là các ký giả cảm thấy họ bị nhà nước Việt Nam theo dõi sát những gì họ làm, và những gì mà họ tường trình. Tuy vậy, các nhà báo nước ngoài không vì thế mà tự kiềm chế trong khi thi hành nhiệm vụ. Tôi không tin là chính quyền tạo điều kiện dễ dàng để cho các ký giả hoạt động tại Việt Nam.”

Được hỏi về quan điểm của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả liên quan tới tin nói rằng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã vời nhà báo của AP lên để cảnh cáo ông 'cố ý vi phạm pháp luật Việt Nam khi chụp ảnh tại khu vực ngăn cấm', đồng thời cảnh cáo rằng nhà nước có thể 'đề ra các biện pháp xử lý tiếp theo', ông Bob Dietz nói.

Ông Bob Dietz: “Ben Stocking và hãng thông tấn AP muốn bỏ câu chuyện rắc rối lại sau lưng, theo chỗ tôi hiểu, họ tường trình về những sự kiện đã xảy ra cho một ký giả của hãng thông tấn AP, rồi thôi, họ không muốn kéo dài câu chuyện làm gì, họ muốn tiếp tục thi hành nghiệp vụ truyền thông. Nếu nhà nước Việt Nam cứ nhất quyết phức tạp hóa vấn đề, thì đó là quyết định của phía Việt Nam. Chúng tôi sẽ chú tâm theo dõi xem Việt Nam xử lý chuyện này ra sao.”

Phối hợp viên chương trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ các Ký Giả nói mặc dù phải đương đầu với một số hạn chế và đôi khi đi lại bị giới hạn trong các thành phố Hà Nội , Saigon, và các vùng phụ cận, nói chung các nhà báo nước ngoài đều cảm thấy tương đối thoải mái trong việc tường trình tin tức, và sau vụ rắc rối vừa qua, không có ai cảm thấy bị đe dọa tinh thần.

Ông Bob Dietz: “Không có một ký giả nào mà tôi đã tiếp xúc cảm thấy bị trấn áp tinh thần, lúc nào cũng lo sợ sẽ bất ngờ bị công an Việt Nam xông vào đánh đập. Theo tôi nghĩ thì đây là một vụ rất tiêu cực nhưng chỉ xảy ra có một lần, trong đó công an Việt Nam đã phản ứng quá tay. Nhưng mặt khác, nó nói lên thái độ của chính quyền Việt Nam đối với giới truyền thông, rằng họ muốn kiểm soát và hạn chế các hoạt động truyền thông.”

Ông Dietz lưu ý về sự khác biệt đối xử giữa các nhà báo nước ngoài và các ký giả địa phương. Ông nói: nói chung, 85% các nhà báo bị giết hại trên thế giới không phải là ký giả nước ngoài mà là ký giả địa phương tường trình về những câu chuyện nguy hiểm vì bất lợi cho nhà nước sở tại.

Ông Bob Dietz nhấn mạnh ông không có ý nói các nhà báo đã bị giết hại ở Việt Nam.

Ông Bob Dietz: “Tôi không nói các nhà báo Việt Nam bị giết hại ở Việt Nam, nhưng một số đã bị bỏ tù, và cái bầu không khí trong đó các nhà báo làm việc mang theo nó một vẻ nặng nề về những gì họ có thể viết, và những gì họ không được viết.

Nhận định về các nhà báo Việt Nam, ông Bob Dietz nói theo kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà báo Việt Nam, mặc dù phải tác nghiệp trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều nhà báo đã xoay sở để thực hiện chức năng của mình với phong cách chuyên nghiệp đáng nể.

Ông Bob Dietz: “Thành thật mà nói, nghiệp vụ làm báo của họ có tầm cỡ quốc tế, không thua các nhà báo nước ngoài, vấn đề nằm ở chỗ chính quyền làm gì với những bài tường trình của họ, và họ được phép tường trình đến mức nào, và các lĩnh vực nào bị nhà nước kiềm hãm.”

Ông Bob Dietz nói vụ rắc rối này không giúp đưa ra một hình ảnh đẹp về Việt Nam dưới con mắt của thế giới, dù rằng Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả kinh tế tốt đẹp, thế nhưng theo ông, không một nước nào có thể gạt tự do báo chí sang một bên, nếu thực sự muốn trở thành một xã hội cởi mở về kinh tế:

Vẫn theo đại diện của Ủy Ban Bảo Vệ các Nhà Báo, một nền kinh tế năng động đi đôi với sự phát triển của các hoạt động báo chí, và kèm theo đó là những kỳ vọng cao hơn của công chúng.

Ông Bob Dietz: “Một khi nền kinh tế trở nên năng động và trên đà phát triển mạnh, thì cùng với sự nở rộ của kinh tế, hoạt động truyền thông cũng phát triển mạnh, vì một nền báo chí tự do là một phần hầu như không thể tách rời khỏi tự do kinh tế.

Thưa quý vị, đó là nhận định của ông Bob Dietz, Phối Hợp Viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả ở New York, về hoạt động báo chí tại Việt Nam và về vụ việc liên quan tới những gì đã xảy đến cho nhà báo Ben Stocking của hãng thông tấn AP tại Việt Nam mới đây.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn do Hoài Hương thực hiện.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG