Đường dẫn truy cập

Giá chứng khoán hạ mặc dù Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch cứu nguy


Thị trường tài chánh thế giới sụt giá mặt dù kế hoạch cứu nguy của chính phủ Mỹ đã vượt qua được rào cản thứ nhất, đó là được Thượng viện nước này thông qua với một tỉ lệ phiếu thuận áp đảo. Từ Washington, thông tín viên Michael Bowman của Đài VOA có bài tường trình sau đây.

Đáng lý ra các thị trường thế giới phải thở phào nhẹ nhõm sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cho phép chính phủ nước này mua lại những khoản nợ xấu trị giá hàng trăm tỉ đôla của các công ty tài chánh đang lao đao. Nhiều kinh tế gia xem kế hoạch này là bước thiết yếu để giúp thị trường tài chánh thế giới vượt qua tình trạng thiếu tín dụng khiến cho mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bị bóp nghẹt.

Tuy nhiên các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ đều rớt điểm khi thị trường mở cửa hôm thứ năm, và các chỉ số tiếp tục mất điểm vào giữa phiên giao dịch. Tình trạng này xảy ra trong lúc có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trì trệ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Trong cuộc họp với giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Bush nói rằng Hạ viện không nên kéo dài việc thông qua kế hoạch cứu ngành tài chánh ra khỏi cuộc khủng hoảng. Hôm thứ hai vừa qua, Hạ viện đã bác một dự luật tương tự dẫn đến vụ mất giá chứng khoán nghiêm trọng nhất trong một ngày giao dịch trong lịch sử của thị trường tài chánh Mỹ.

Tổng thống Bush nói: “Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến người dân cần mẫn làm ăn. Người dân đang lo sợ về những khoản dành dụm của họ. Họ lo sợ cho công ăn việc làm. Họ lo sợ bị mất nah vì không trả được nợ. Họ lo sợ cho doanh nghiệp, cho cơ sở làm ăn nhỏ của họ. Hạ viện cần phải lắng nghe tiếng nói của họ.”

Trong khi các thị trường châu Á có tăng lẫn giảm, tất cả các thị trường chính của châu Âu đã tăng vào đầu phiên giao dịch hôm thứ năm, nhưng sau đó đã đổi chiều và mất điểm vào giờ đóng cửa.

Thị trường châu Âu mất điểm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu loan báo quyết định giữ nguyên lãi suất. Chủ tịch Jean-Claude Trichet của Ngân hàng Trung ương châu Âu không bác bỏ khả năng có thể giảm lãi suất trong tương lai để kích thích kinh tế và trấn an thị trường tài chánh, tuy nhiên ông nói rằng lãi suất được giữ nguyên vào lúc này để đối phó với nguy cơ lạm phát.

Ông Trichet nói: “Trong thời gian tới, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế có thể tăng chủ yếu là do áp lực của cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chánh vốn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nghiêm trọng hơn là những gì chúng ta có thể suy đoán. Những rủi ro khác liên quan đến khả năng giá cả năng lượng và lương thực–thực phẩm tăng cao đột biến trở lại, các chương trình phát triển bị xáo trộn do tình trạng mất quân bình trên toàn cầu, và áp lực bảo hộ mậu dịch tăng.

Trong khi đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trì trệ.

Phó Giám đốc đặc tránh nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Charles Collyns nhận định: “Hiện nay chúng ta đã chứng kiến rõ ràng chấn động nguy hiểm nhất đối với các thị trường tài chánh kể từ thập kỷ 1930, và nó tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chúng ta thấy rằng khi hệ thống ngân hàng bị thiệt hại nặng, giống như tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay, thì dường như nguy cơ của tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài sẽ gia tăng.

Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chánh toàn cầu đã khởi sự bằng hàng loạt vụ nhà cửa bị tịch biên sau một thời gian dài xảy ra hiện tượng các cơ sở tài chính cho vay bừa bãi trong đó nhiều người dân Mỹ đã có thể vay các khoản nợ để mua nhà vượt quá khả năng chi trả của họ. Trong mấy tháng gần đây, các công ty tài chánh lớn nhất của Mỹ chuyên kinh doanh tín dụng địa ốc hoặc bị thua lỗ nặng, hoặc phải bán đi, hoặc bị chính phủ Mỹ tiếp quản.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG