Đường dẫn truy cập

Giới lãnh đạo Tây Tạng dự tính 'Thay đổi lớn' lập trường


Quốc hội lưu vong của Tây Tạng đã ấn định thời biểu cho một cuộc họp khẩn vào giữa tháng 11 để duyệt xét lập trường đối với Trung Quốc trong tương lai. Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng đức Đạt Lai Lạt Ma, yêu cầu các nhà lập pháp thông qua một nghị quyết về hướng hành động của Tây Tạng trong tương lai, sau khi xảy ra những biến động chính trị ở Tây Tạng trong năm nay. Thông tín viên đài VOA Steve Herman đã đến thăm thành phố Dharamsala của Ấn Độ nơi đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong và cũng là nơi chính phủ lưu vong Tây Tạng đặt trụ sở, và tường thuật về những dự tính của các nhà lãnh đạo Tây Tạng về cuộc họp đặc biệt sắp tới của quốc hội.

Các tăng sĩ Tây Tạng lưu vọng đang tụng kinh trong tự viện Namgyal của đức Đạt Lai Lạt Ma, nằm ẩn mình dưới rặng núi Hi mã lạp sơn phủ đầy mây ở miền bắc Ấn Độ. Sau những giờ cầu kinh, trong những ngày này, các tăng sĩ cũng suy ngẫm về vận mệnh của đất nước mình.

Quốc hội lưu vọng Tây Tạng đã chấp thuận lời yêu cầu của đức Đạt Lai Lạt Ma mở một phiên họp khẩn vào tháng 11 để thảo luận về phương hướng hành động trong tương lai.

Yêu cầu này được đưa ra tiếp theo sau các vụ biểu tình phản đối ở Tây Tạng hồi tháng ba bị nhà cầm quyền Trung Quốc thẳng tay đàn áp. Đối với 130.000 người Tây Tạng đang sống lưu vọng, câu hỏi được đặt ra là liệu họ có tiếp tục theo xu hướng 'trung đạo' - đối với Trung Quốc hay không - không quá cương mà cũng không quá nhu, không chấp nhận qui chế cai trị của Bắc Kinh như hiện nay, cũng không mưu tìm độc lập cho Tây Tạng. Một số người giờ đây đang ngờ vực về hệ quả của đường lối trung dung đó, sau khi chính phủ lưu vong chứng kiến 200 người Tây Tạng thiệt mạng trong các vụ đàn áp thẳng tay của Trung Quốc, và một số không rõ là bao nhiêu tăng sĩ và thường dân mất tích.

Vị hiện thân Samdhong Rinpoche thứ 5 của Tây Tạng hiện đang giữ chức Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong. Ông nói với đài VOA rằng những biến cố trong năm nay đã gây ra một thay đổi rất lớn.

Thủ tướng Tây Tạng nói: “Từ tháng 3 năm 2008, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối, và sự kiện này đã nhận được sự cảm thông của cộng đồng quốc tế. Trong những ngày này đã có một thay đổi rất lớn. Chúng tôi sẽ phải xem xét lại tình hình và phải định hướng cho hành động trong tương lai.”

Các ý kiến thu thập để định hướng cho hành động trong tương lai sẽ không phải chỉ từ Quốc hội lưu vong Tây Tạng mà còn từ các nhà trí thức và các tổ chức phi chính phủ trong cộng đồng người Tây Tạng lưu vong, phần lớn đang sống ở Ấn Độ.

Thủ tướng lưu vong Tây Tạng từ lâu nay vẫn cổ xúy một cuộc tranh đấu bất bạo động, theo con đường của nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi; ông tin rằng dân chúng Tây Tạng nên đòi hỏi các quyền của họ theo cách thế phù hợp với luật pháp Trung Quốc để gây lúng túng cho Bắc kinh.

Giới trẻ Tây Tạng cũng tỏ ra bất bình với hiện trạng.

Nhóm có tên là Nghị hội Giới trẻ Tây Tạng tuyên bố mục tiêu của họ là tranh đấu cho một nền độc lập toàn vẹn cho Tây Tạng. Chủ tịch tổ chức này là ông Tsewang Ringzin nói với đài VOA rằng cuộc họp đặc biệt của Quốc hội lưu vong vào tháng 11 này sẽ mang lại cho giới trẻ Tây Tạng một cơ hội để những người lớn nghe được tiếng nói của họ.

Ông Tsewant Ringzin nói: “Miễn là có người làm việc này và miễn là những người đến dự cuộc họp, nếu như họ đến với tư cách đại diện cho nguyện vọng chân chính của nhân dân Tây Tạng thì tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được kết quả mong muốn.”

Một phương án không được chư tăng ni cũng như những thường dân ở Dharamsala ủng hộ rộng rãi, đó là chống Trung Quốc bằng hình thức bạo động. Chủ tịch tổ chức Đại hội Giới trẻ Tây Tạng, một nhóm mà Trung Quốc liệt kê là tổ chức khủng bố, đồng ý rằng một cuộc khởi nghĩa võ trang là điều không thể chấp nhận.

Chủ tịch Tsewant Ringzin nói: “Không có gì phải thắc mắc về vấn đề này. Sự hậu thuẫn ít ỏi mà chúng tôi nhận được từ cộng đồng quốc tế là nhờ cuộc tranh đấu của chúng tôi là một cuộc tranh đấu bất bạo động. Cho dù nhìn vấn đề theo khía cạnh nào đi nữa thì bạo động cũng không thể nào là sự lựa chọn cho cuộc đấu tranh của chúng tôi.”

Trong khi đó, chính phủ lưu vong Tây Tạng muốn Trung Quốc cho biết về số người Tây Tạng bị mất tích sau cuộc nổi dậy hồi tháng ba. Thủ tướng của chính quyền lưu vong Tây Tạng nói rằng hiện nay vẫn chưa biết con số thương vong của người Tây Tạng. Ông nói.

Thủ tướng Tây Tạng nói: “Một số lớn người Tây Tạng vẫn còn trong danh sách mất tích. Một số lớn tăng, ni ở thủ đô Lhasa bị bắt đi vẫn còn bị cầm tù tại nhiều nơi không được nhà chức trách cho biết. Chúng tôi đang nghe được các nguồn tin chưa kiểm chứng được là chính quyền đang bắt đầu thả họ ra, nhưng không cho phép họ trở lại các tu viện ở Lhasa.”

Trung Quốc nhiều lần cáo buộc đức Đạt Lai Lạt Ma khích động bạo động nhằm gây cản trở Thế vận hội Olympics Bắc Kinh trước đây trong năm.

Theo dự kiến thì vòng đối thoại thứ 8 giữa chính phủ Tây Tạng lưu vọng và chính phủ Trung Quốc đã được ấn định trong tháng 10 này, tuy nhiên Thủ tướng Tây Tạng nói rằng hiện vẫn chưa biết chắc là các cuộc đàm phán này có sẽ diễn ra hay không.

Thủ Tướng Tây Tạng nói: “Sau cuộc tiếp xúc hồi tháng 7, chúng tôi không hề giao tiếp được với họ dù trực tiếp hay gián tiếp.”

Các nhà lãnh đạo Tây Tạng cho biết là trong vòng đàm phán cuối cùng, Trung Quốc đã đưa ra những đòi hỏi không thể chấp nhận được về đức Đạt Lai Lạt Ma. Các nhà lãnh đạo này nói rằng nếu vòng đàm phán đã được dự định trong tháng này không đạt được tiến bộ nào, thì các cuộc đàm phán, đã được khởi sự từ 6 năm trước đây, có phần chắc sẽ không tiếp tục.

Hiện giờ những gì mà các tăng sĩ trong Tự viện Namgyal có thể làm là cầu nguyện cho quê hương được khá hơn, với hy vọng rằng tất cả những công phu tranh đấu của họ từ lâu nay sẽ không tan thành mây khói.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG