Đường dẫn truy cập

Mỹ: Hành động của Bắc Triều Tiên 'đáng tiếc' nhưng có thể 'đảo ngược'


Hôm thứ năm Hoa Kỳ tuyên bố rằng việc của Bắc Triều Tiên cấm các thanh sát viên quốc tế đi vào khu vực lò phản ứng hạt nhân Yongbyon là điều 'đáng tiếc', nhưng 'có thể đảo ngược'. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói rằng chính quyền của Tổng thống Bush đang duyệt xét lại tình trạng các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Thông tín viên đài VOA David Gollust tường thuật về vấn đề này như sau.

Các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về bước hành động mới nhất của Bắc Triều Tiên - dường như là một bước thoái bộ trong các cuộc đàm phán 6 nước về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên họ nói rằng Bình Nhưỡng chưa có hành động nào nhằm phá vỡ tiến trình này.

Hôm thứ năm Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế cho biết họ đã được Bắc Triều Tiên loan báo là các thanh sát viên thuộc cơ quan nguyên tử năng theo dõi tiến trình vô hiệu hóa Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, đã bị cấm không được vào khu vực này.

Từ tháng 8 đến nay, Bắc Triều Tiên đã có nhiều hành động đi ngược lại những cam kết giải giới của họ theo thỏa thuận đã đạt được, trong các cuộc đàm phán 6 nước hồi năm ngoái. Theo thỏa thuận này Bắc Triều Tiên phải bãi bỏ chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại họ sẽ nhận được viện trợ và các quyền lợi về ngoại giao.

Tiến trình đàm phán do Trung Quốc bảo trợ đã bị bế tắc do cuộc tranh chấp về kế hoạch kiểm chứng các cơ sở hạt nhân được Bắc Triều Tiên kê khai.

Bắc Triều Tiên lập luận rằng Hoa Kỳ không giữ lời hứa xóa tên nước này ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố sau khi họ đã nộp bản kê khai về hạt nhân. Trong khi đó các quan chức Mỹ cho biết việc xóa tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách còn tùy thuộc vào việc có thể đạt được một kế hoạch kiểm chứng chấp nhận được hay không.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ năm, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, ông Sean McCormack nói rằng ông không muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của hành động mới nhất của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên ông nói rằng diễn biến này không phải là bước chấm dứt.

Phát ngôn viên McCormack nói: “Trong khoảng chừng một tháng qua người Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhiều bước mà chúng ta xem là không tích cực, không hữu ích và chắc chắn là không đẩy mạnh tiến trình giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - mà thực ra còn đi ngược lại các bước mà họ đã thực hiện và đã cam kết sẽ thực hiện trước đây. Tất cả các hành động đó nói lên rằng, những gì họ làm cho đến giờ này đều có thể đảo ngược.”

Ông McCormack nói rằng các thanh sát viên Mỹ vẫn còn trong thành phố Yongbyon, mặc dù ông không biết là họ có bị cấm vào khu vực lò phản ứng như các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế hay không.

Trong tuyên bố ngắn đưa ra với các phóng viên báo chí hôm thứ năm, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói rằng chính quyền của Tổng thống Bush đang duyệt xét lại tình trạng của các cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên.

Tuần trước, trưởng đoàn của Hoa Kỳ tham gia đàm phán 6 bên, ông Christopher Hill, đã đi thăm Bắc Triều Tiên trong 3 ngày, theo lời mời của chính phủ Bình Nhưỡng, để thảo luận về tiến trình này.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mô tả các cuộc thảo luận này là hữu ích, tuy nhiên không cho biết liệu Bắc Triều Tiên có đưa ra các đề nghị nào để họ quay lại với tiến trình đã thực hiện trước đây hay không.

Trong một diễn biến khác liên quan đến Bắc Triều Tiên, Người phát ngôn McCormack cảnh báo Bình Nhưỡng đừng hành động gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh có tin nói rằng hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đang xích mích vì các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Trong tuần này Bắc Triều Tiên đã bắn thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn trong vùng biển Hoàng Hà, và cáo buộc các tàu hải quân của Nam Triều Tiên - dường như đang theo dõi các cuộc thử nghiệm –vi phạm hải phận Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên đã cho thấy có thể sẽ còn có thêm các vụ thử nghiệm tiếp theo sau nữa.

Ông McCormack nói rằng Bắc Triều Tiên bị cấm thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa chiếu theo một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một võ khí hạt nhân vào năm 2006.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG