Hôm 19 tháng 10, đúng một tuần sau khi Hội nghị toàn thể trung ương đảng lần thứ 3 kết thúc tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã công bố chính sách mới về cải cách ruộng đất. Theo tin của Tân Hoa Xã, giới lãnh đạo Trung Nam Hải đồng ý để cho nông dân được đem quyền sử dụng đất ra mua bán, chuyển nhượng và hùn hạp. Các học giả Trung Quốc quan tâm tới vấn đề nông thôn cho rằng biện pháp cải cách này chỉ là một kế sách tạm thời và không đủ để nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt của hơn 700 triệu người đang sinh sống ở thôn quê. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Bản tin hôm 19 tháng 10 của Tân Hoa Xã cho biết các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đồng ý để cho nông dân được phép mang quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương cấp phát để mua bán, chuyển nhượng, hoặc hùn hạp. Nhiều bài tường thuật khác trên báo chí nhà nước cũng không quên tán dương quyết định của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải. Họ nói rằng đây là một chương trình cải cách mang tính chất dấu mốc và sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển nông thôn và cải thiện mức sinh hoạt của nông dân.
Một số các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng kế hoạch này giúp cho nông dân có thêm của cải, và nhờ vậy sẽ hữu ích cho nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao mức cầu quốc nội để ứng phó với vụ khủng hoảng tài chánh thế giới và sự sút giảm của mức cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc là Hoa kỳ, Nhật bản và Liên hiệp Âu Châu. Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc ở trong nước và hải ngoại đã tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của những biện pháp sửa đổi này.
Bà Hà Thanh Liên là một nhà kinh tế học Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ và là tác giả cuốn sách 'Cạm bẫy của hiện đại hóa' (The Pitfalls of Modernization), nói về những khuyết điểm trong quá trình đổi mới ở Trung Quốc. Bà cho rằng kế hoạch này không phải là một kế hoạch cải cách thật sự.
Bà Hà nói: "Tôi nghĩ rằng kế hoạch này của chính phủ Trung Quốc chỉ là một kế sách có tính chất tình thế, chứ không phải là cải cách thật sự. Nếu là cải cách thì cũng không cải cách đúng mức. Lý do là vì hầu hết những vụ biểu tình gây rối ở nông thôn trong năm vừa qua, những người biểu tình họ đòi hỏi quyền sở hữu, chứ không phải chỉ đòi quyền sử dụng đất đai hay kinh doanh đất đai."
Ông Diêu Lập Pháp, cựu đại biểu quốc hội Trung Quốc, cũng tán đồng ý kiến này. Ông cho rằng chính phủ cần thực hiện các biện pháp cải cách chính trị để giải quyết một cách rốt ráo các vấn đề ở nông thôn, thường được gọi là vấn đề tam nông, hiện nay.
Ông Diêu nói: "Bất kể là chúng ta áp dụng biện pháp nào để phát triển kinh tế thì chúng ta cũng phải tiến hành cải cách thể chế. Vì nếu không có sự bảo vệ của cải cách chính trị, thì những cải cách kinh tế, trong đó có cải cách ruộng đất, sẽ không thể nào có được kết quả tốt."
Bà Hà Thanh Liên cho biết: trong thập niên qua, đất canh tác của Trung Quốc đã bị thất thoát rất nhanh vì phải dành chỗ cho việc xây dựng đường xá, công xưởng và nhà ở. Ngoài ra, số ruộng đất bỏ hoang cũng gia tăng đáng kể vì nhiều nông dân đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để vào thành phố mưu sinh. Bà cho rằng tình hình này buộc giới hữu trách Bắc Kinh phải tìm cách nâng cao hiệu ích kinh tế của đất đai ở nông thôn.
Bà Hà nói: "Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang gặp phải một sức ép là mức sản xuất của nông thôn quá thấp; vì từ năm 1980 tới nay, dân số nông thôn chiếm 65% dân số cả nước nhưng sản lượng thì chỉ ở mức chưa đầy 18% GDP. Vì vậy mà chính phủ muốn gia tăng tốc độï lưu chuyển của đất đai để tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế."
Một số các nhà quan sát tình hình Trung Quốc e rằng nạn chiếm đoạt đất đai ở nông thôn có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi chính sách mới được áp dụng. Ông Nhiễm Vân Phi, một nhân vật tranh đấu bảo vệ cho quyền lợi của nông dân ở tỉnh Tứ Xuyên, cho rằng chính phủ cần phải để cho nông dân được tự do thành lập hiệp hội và có quyền lựa chọn những người lãnh đạo trong làng xã để họ bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Nhiễm cho biết ý kiến: "Thật tình mà nói thì tôi thấy rằng chính sách này đề cập tới vấn đề 'lưu chuyển đất đai ở nông thôn', nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là sự bảo đảm về mặt chính trị. Nếu không có bảo đảm chính trị, thì kế hoạch này sẽ làm phát sinh một đợt mới của các hoạt động chiếm đoạt đất đai, tạo cơ hội cho tư bản của giới quan liêu xâm nhập nông thôn, và khơi mào cho một hiệp mới của tham nhũng."
Kinh tế gia Hà Thanh Liên cũng tỏ ý lo ngại về mối rủi ro mà ông Nhiễm Vân Phi vừa trình bày.
Bà Hà nói: "Trong văn kiện này có qui định một số việc cấm chỉ, trong đó có việc cấm thay đổi mục đích sử dụng đất, có nghĩa là người mua lại quyền sử dụng đất không được thay đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên tôi không mấy tin tưởng ở điều này, vì tại Trung Quốc có một tình trạng rất phổ biến là pháp luật qui định là một việc nhưng chấp hành lại là một việc khác."
Bà Hà Thanh Liên cho biết vì tình hình u ám của kinh tế toàn cầu hiện nay, nạn chiếm đoạt đất đai ở nông thôn Trung Quốc có thể không trở nên nghiêm trọng trong vài năm sắp tới. Tuy nhiên, bà nói rằng tình hình sẽ thay đổi:
Bà Hà nói: "Một khi tình hình cung cầu của đất đai bị thắt chặt, chẳng hạn như vài năm nữa thị trường nhà đất được cải thiện, thì ngay tức khắc sẽ có những kẻ bất lương ra tay chiếm đoạt đất đai của nông dân. Đó là điều mà tôi tin chắc là sẽ xảy ra."
Ông Trần Tích Quân, Trưởng ban chỉ đạo công tác nông thôn của Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho biết rằng giới hữu trách đã bác bỏ đề nghị để cho nông dân được đem quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà đi thế chấp để vay tiền của các tổ chức tài chánh. Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ tư vừa qua, ông Trần Tích Quân nói rằng vì hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn vẫn còn rất yếu kém cho nên chính phủ không thể để cho nông dân gánh chịu mối rủi ro là mất đi đất đai nhà cửa của mình.
Ông Trần nói: "Vấn đề khó khăn nhất mà rất nhiều nước thuộc thế giới đang phát triển đã gặp phải là vấn đề của những nông dân không đất không nhà. Họ vào thành phố, rồi bất kể là có công ăn việc làm hay không, thì họ cũng không thể nào về quê. Vì vậy mà những khu nhà ổ chuột xuất hiện ở các thành phố. Vấn đề tội phạm cũng vì vậy mà gia tăng và dẫn tới chỗ xã hội bị bất ổn. Trung Quốc nhất định không đi theo con đường này."
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1