Trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, nếu ông Barack Obama của đảng Dân chủ đắc cử thì ông sẽ trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nếu ông John McCain của đảng Cộng hòa chiến thắng, ông sẽ trở thành vị tổng thống lớn tuổi nhất khi đắc cử nhiệm kỳ thứ nhất; và người đứng chung liên danh với ông, Thống đốc Sarah Palin cũng sẽ trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, có một vấn đề nổi bật, đóng một vai trò quan trọng hơn các vấn đề chủng tộc, tuổi tác, và phái tính; đó là vấn đề liên quan tới nền kinh tế đang gặp khó khăn. Mời quí thính giả nghe Thanh Trang trình bày thêm các chi tiết sau đây, dựa theo tường thuật của thông tín viên Mil Arcega của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Khi cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng cử viên tổng thống diễn ra cách nay hơn một năm, rất ít người có thể tưởng tượng được những sự đổi thay đột ngột, có khả năng định đoạt ai sẽ là người lãnh đạo quốc gia giàu mạnh nhất thế giới này.
Trong cuộc vận động tranh cử, thượng nghị sĩ John McCain đã ra sức nhấn mạnh đến kinh nghiệm của ông trong lãnh vực an ninh và đối ngoại.
Ông McCain nói: "Thượng nghị sĩ Obama tranh cử để làm người đứng đầu kế hoạch phân chia lại của cải của người dân nước Mỹ. Còn tôi, tôi tranh cử để làm tổng tư lệnh quân đội."
Thượng nghị sĩ Barack Obama đã đáp lại như sau: "Nếu ông John McCain muốn tranh luận về vấn đề ai là người có tính khí thích hợp và có tài phán đoán để trở thành vị tổng tư lệnh quân đội sắp tới thì đó là cuộc tranh luận mà tôi sẵn sàng tham gia."
Tuy nhiên, cuộc tranh đua, vốn ngang ngửa nhau sau các đại hội đảng của phe Dân chủ và phe Cộng hòa, đã nghiêng hẳn về phía ông Obama vì những vấn đề liên quan tới nền kinh tế. Ông Nathan Gonzales, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu có tên là Báo cáo Chính trị Rothenberg, nhận định như sau.
Ông Gonzales nói: "Tôi nghĩ rằng trước đây ông McCain vẫn có cơ hội đắc cử mặc dù tình huống của phe Cộng hòa có nhiều khó khăn. Nhưng ngày nay vấn đề kinh tế đã khiến cho lợi thế nghiêng hẳn về phe Dân chủ."
Vụ suy sụp tài chánh ở Phố Wall, bắt đầu với vụ khủng hoảng tín dụng mua nhà, đã làm thay đổi tình thế của cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Theo giáo sư Robert Johnson của Đại học George Washington, các vấn đề liên quan tới túi tiền đã đột ngột gạt qua một bên các vấn đề khác như cuộc chiến tranh Iraq, vấn đề an ninh và chính sách ngoại giao. Ông Johnson nói như sau về những câu hỏi đang đè nặng trong tâm trí người Mỹ hiện nay.
Ông Johnson nói: "Điều gì sẽ xảy ra cho ngân hàng mà tôi giao dịch? Điều gì sẽ xảy ra cho số tiền mà tôi có trong quĩ hưu trí? Tôi có đủ tiền để cho con đi học đại học hay không? Tôi có bị đuổi việc hay không?"
Nhiều người Mỹ cho rằng đảng Cộng hòa đương quyền chịu trách nhiệm về việc giá cổ phiếu và giá nhà của họ bị giảm mạnh. Ông Alex Burns, một nhà phân tích của Politico.com, cho rằng tuy đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội trong 2 năm nay nhưng lợi thế vẫn nghiêng hẳn về phía ông Obama.
Ông Burns nói: "Khi Lehman Brothers khai phá sản, mọi người đã tranh luận rất sôi nổi về vấn đề cứu nguy. Tôi nghĩ rằng điều đó đã tác động mạnh tới tâm trí của người dân, khiến họ nhận ra mức độ tệ hại của tình hình. Và đây là một điều may mắn cho ông Obama vì ông đã lấy sự thay đổi làm chủ đề cho cuộc vận động bầu cử."
Ông McCain đã quyết định tạm ngưng cuộc vận động để tham gia cuộc thảo luận về kế hoạch cứu nguy tài chánh 700 tỉ đô la.
Ông McCain nói: "Sáng mai tôi sẽ tạm ngưng cuộc vận động để quay về Washington."
Ông Obama đã nhanh chóng chỉ trích quyết định của ông McCain.
Ông Obama nói: "Có những lúc để hoạt động chính trị đảng phái và có những lúc chúng ta cần vượt lên trên vấn đề chính trị để làm những điều có lợi cho đất nước."
Các nhà quan sát cho rằng vụ đối đầu này đã khiến cho sự tương phản giữa ông McCain với ông Obama trở nên rõ nét hơn. Giáo sư Johnson cho rằng sự việc này cộng với thái độ bình tĩnh của ông Obama trong 3 cuộc tranh luận trên truyền hình đã giúp ông chinh phục cảm tình của cử tri.
Tuy ông Obama đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò ý kiến, những các chiến lược gia trong ban vận động của ông McCain nói rằng những cuộc thăm dò riêng của họ cho thấy tỉ lệ ủng hộ của đôi bên vẫn ngang ngửa nhau.
Hầu hết các chuyên gia chính trị đồng ý với nhau rằng thay đổi sẽ đến với Washington, bất kể ai là người giành được thắng lợi trong cuộc đầu phiếu vào thứ ba tuần sau; và thách đố lớn nhất của vị tổng thống sắp tới là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế đang hồi suy yếu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1