Sau thêm một phiên giao dịch mất giá nữa trên các thị trường chứng khoán châu Âu, dư luận hiện nay đang thắc mắc là tình trạng suy thoái kinh tế sẽ nghiêm trọng đến mức nào và sẽ kéo dài bao lâu. Từ London, Thông tín viên Tom Rivers của VOA gởi về bài tường trình sau đây.
Có quá nhiều diễn biến xảy ra trên các thị trường của châu Âu trong mấy ngày qua. Trước tình hình tăng trưởng kinh tế của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang đứng lại, và ở các nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản cũng chính thức được liệt kê vào danh sách các nền kinh tế bị suy thoái, thì người ta khó mà thấy được chút gì lạc quan.
Tâm lý bi quan này được chứng minh bằng biểu đồ đi xuống của các thị trường chứng khoán châu Âu.
Tuy nhiên sau hội nghị thượng đỉnh kinh tế của Nhóm 20 nước vào cuối tuần qua tại Washington, Thủ tướng Gordon Brown của Anh Quốc đã trở về London và nói rằng phối hợp hành động toàn cầu là giải pháp để đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Thủ tướng Brown nói: “Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước đưa ra những biện pháp kích thích tài chánh. Các biện pháp kích thích tài chánh có nghĩa là giúp cho các gia đình và các doanh nghiệp vượt qua tình huống khó khăn hiện nay, và với điều kiện là quý vị phải làm, giống như chúng ta sẽ làm - đó là đưa ra một khung kế hoạch trung hạn cho mục tiêu tài chánh bền vững. Và đây đúng là điều cần phải làm để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế. Chúng ta cần phải giúp cho mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây là một chiến lược đúng đắn được tất cả mọi người chấp nhận, và mọi nước trên thế giới đang hướng theo.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gọi tắt là IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, nói rằng IMF có thể cần thêm ít nhất 100 tỉ đôla nữa trong giai đoạn sáu tháng tới để có thể giữ một vai trò tích cực hơn trong việc giúp nền kinh tế toàn cầu hồi phục.
Tuy nhiên năm 2009 sắp tới có lẽ sẽ là một năm khó khăn về tài chánh trên khắp thế giới, và Anh Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Điều này có nghĩa là nền kinh tế sẽ còn tiếp tục chịu thêm nhiều thiệt hại nữa.
Nhóm vận động quốc hội cho doanh nghiệp lớn nhất của Anh Quốc – Liên Đoàn Công nghiệp Anh, mới đây cảnh báo rằng mức thất nghiệp tại nước này có thể tăng đến đỉnh điểm vào cuối năm tới. Trưởng ban cố vấn kinh tế của nhóm này, ông Ian McCafferty nói rằng đó sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn.
Ông McCafferty nói: “Tỉ lệ thất nghiệp hiện nay đang gia tăng với tốc độ cao nhất so trong vòng 17 năm qua, và tôi tin rằng khoảng cuối năm nay con số thất nghiệp sẽ lên đến 2 triệu người, và đến cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010 con số này có thể tăng đến xấp xỉ 3 triệu người. Do đó số người thất nghiệp đang gia tăng hiện nay chiếm đến 8% hoặc 9% lực lượng lao động, một tỉ lệ tăng cao đáng kể so với mấy năm gần đây.
Liên đoàn Công nghiệp Anh còn dự đoán rằng đi kèm theo với với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, GDP của Anh Quốc sẽ sút giảm ở mức độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991.