Trung Quốc đã có những lời lẽ gay gắt đối với Tây Tạng và nói rằng sẽ không bao giờ để cho vùng đất được quốc tế thừa nhận là một phần của lãnh thổ Trung Quốc được độc lập. Các nhận định của Bắc Kinh được đưa ra hôm nay vào lúc những người Tây Tạng sống lưu vong mở một hội nghị tại Ấn Độ để quyết định về tương lai chiến dịch của họ chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở quê nhà họ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng lập trường của chính phủ Trung Quốc về Tây tạng là 'kiên quyết'.
Ông Tần Cương nói bất kỳ cố gắng nào tách Tây Tạng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc sẽ bị lên án. Ông cũng nhấn mạnh, điều ông nói là 'cái gọi là chính quyền Tây tạng lưu vong' không được nhìn nhận bởi bất cứ chính phủ nào khác.
Phát ngôn viên Trung Quốc cũng đưa ra những nhận định nhắm vào Ấn Độ, là nơi có nhiều người lưu vong Tây Tạng sinh sống và cũng là nơi đang diễn ra 1 hội nghị quan trọng.
Ông Tần Cương nói Trung Quốc hy vọng và tin tưởng rằng Ấn Độ vẫn giữ vững điều cam kết là cấm đoán mọi họat động ly khai nào thực hiện trên lãnh thổ Ấn.
Cũng nên nhắc lại là lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tới đào tỵ tại Dharmasala của Ấn, sau cuộc nổi dậy bất thành chống sự cai trị của Trung Quốc tại Tây tạng vào năm 1959.
Ngài cũng đã công khai ủng hộ một kế hoạch nhìn nhận Tây tạng như một phần của Trung Quốc, nhưng cho hưởng 1 qui chế tự trị rộng rãi hơn, đối với lãnh thổ có nền văn hóa và tôn giáo đặc trưng này. Tuy nhiên, mới đây Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngài không còn hy vọng gì vào những nỗ lực của mình nữa.
Trung Quốc đã hoàn toàn bác bỏ kế hoạch của đức Đạt Lai Lạt Ma, mà họ coi là cũng chẳng khác gì trả độc lập cho Tây tạng.
Hiện các nhóm lưu vong Tây tạng đang họp tại Dharmasala tuần này để bàn về tương lai cho chính nghĩa của họ.
Một vài người Tây tạng đã tỏ ra mất kiên nhẫn về đường lối của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và cho rằng cần áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn. Họ cho rằng Tây tạng vẫn là một nước độc lập, trước khi quân Cộng sản tràn vào hồi năm 1950.
Mặt khác, Trung Quốc lại nói Tây tạng vẫn là một phần lãnh thổ của họ từ nhiều thế kỷ
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1