Trong lúc các tin tức nói về cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu chỉ tập trung vào các ngân hàng bị sụp đổ trên thị trường Wall Street thì các lao động di dân và thân nhân của họ ở quê nhà tại nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu cảm thấy tác động của điều gọi là tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Trong chuyến công tác mới đây đến New York, Hồng Kông, và Philippines, thông tín viên của Pros Laput của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã tìm hiểu xem cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến người lao động Philippines ở nước ngoài và thân nhân của họ ở quê nhà như thế nào và có bài tường trình sau đây.
Nước Mỹ đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thập kỷ 1930.
Tỉ lệ thất nghiệp tại đây đang tăng đến mức cao nhất so trong vòng 14 năm qua, và có thể còn tiếp tục gia tăng. Đây là một tin tức bi quan đối với hàng triệu người lao động di dân tại Mỹ, nhất là những người phải chu cấp tiền bạc cho thân nhân và gia đình của họ ở quê nhà.
Trong khu Woodside, thuộc quận Queens, nơi được xem là trung tâm của cộng đồng người Philippines ở New York. Mọi người đều tỏ ra lo lắng bởi vì tình trạng kinh tế khó khăn ở đây tạo ra ảnh hưởng vọng đến bên quê nhà của họ ở Philippines.
Bà Edilyn Recibe đã sinh sống làm ăn tại New York 10 năm qua. Nay bà phải giảm bớt số tiền gởi về Philippines để chu cấp cho gia đình.
Bà Recibe nói rằng nếu bà bị thất nghiệp ở đây thì tình cảnh sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Thân nhân của bà Recibe ở Philippines cũng lo lắng không kém khi họ nhận được những tin tức về tình trạng khó khăn kinh tế tại Mỹ qua các phương tiện truyền thông.
Bà Recibe kể rằng em gái của bà khuyên bà phải giữ tiền lại vì cô em gái nghe tin số người thất nghiệp ở Mỹ đang tăng.
Trong lúc người dân Mỹ giảm chi tiêu thì mức cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Á cũng giảm, dẫn đến tình trạng kinh tế tại châu Á đi xuống. Tại những trung tâm tài chính như Hồng Kông, tình trạng khan tín dụng cộng với nhiều vụ sụp đổ của các ngân hàng quốc tế đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hồng Kông có hơn 130.000 lao động di dân người Philippines, đa số họ làm các công việc nội trợ và phụ giúp trong nhà
Ông Abe de Ramos là một nhà phân tích tài chánh ở Hồng Kông nói rằng nhiều người trong ngành tài chánh và thương mại ở Hong Kong bị thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp tăng trong các ngành này sẽ khiến cho nhiều gia đình giảm khả năng thuê người Philippines để phụ giúp việc nhà.
Công nhân Philippines xuất khẩu lao động khắp thế giới gửi hơn 14 tỉ đôla về nước trong năm ngoái, tương đương với 13% GDP của nước này. Do đó, nếu số tiền này thấp đi thì kinh tế Philippines sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Dapitan, một thành phố nhỏ miền Nam Philippine, kiều hối gửi về giúp kích động ngành xây dựng của thành phố.
Bà Alice Balladares là chủ của một căn nhà hai tầng bằng bê tông có chỗ đậu ôtô. Bà xây căn nhà này bằng tiền do con gái bà đi xuất khẩu lao động ở bên Trung Đông gửi về.
Giống như nhiều người khác, bà đang phải đối mặt với 2 vấn đề, đó là giá sinh hoạt cao do lạm phát, và tiền của con cái gửi về ít đi, bởi vì một đôla Mỹ bây giờ đổi được ít đồng tiền peso của Philippines hơn.
Bà Balladares nói rằng nhà của bà trông thì đẹp đấy nhưng vấn đề bây giờ là làm sao kiếm đủ tiền chi tiêu hằng ngày.
Giống như nhiều người khác trên thế giới sống nhờ vào tiền bà con ở nước ngoài gửi về, bà phải giảm bớt chi tiêu.
Tại một cửa hàng chuyển tiền của người Philippines ở New York, ông Raymond Regner, chủ cửa hàng nói ông không nghĩ là tiền của người Philippines bên Mỹ chuyển về nước giảm sút, bởi vì người Philippines có trách nhiệm cao với gia đình bên nhà.
Ông Regner nói rằng cho dù có cực khổ đến mấy chăng nữa, cho dù có phải nhịn ăn nhịn mặc ở bên này như thế nào đi nữa, người Philippines bên Mỹ vẫn cố gắng gửi tiền về nhà, bởi vì họ biết bà con bên nhà đang trông cây nơi họ.
Thân nhân của họ bên Philippines nhiều người cũng không biết chắc là người gửi tiền từ bên Mỹ hay từ nước ngoài có thoát được những hậu quả của tình hình kinh tế yếu kém hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1