Giá xăng dầu hiện nay giảm hơn 60% so với mức kỷ lục hồi tháng 7. Mặc dù vẫn ở mức 50 đô la một thùng, nhưng tại Á châu, người tiêu thụ và các chính phủ cũng hưởng lợi về việc xăng hạ giá. Thông tín viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Kate Pound Dawson từ Bangkok tường trình thêm chi tiết.
Cô Malou Perena, một đại lý hãng du lịch ở Hồng Kông nói khách hàng của cô khi mua vé máy bay đã bắt đầu được hưởng lợi nhờ giá xăng rẻ.
Cô Perena nói: “Họ đã hạ giá ngay, Tôi nghĩ vào hồi tháng 9, tháng 10.”
Các hãng hàng không đã cắt đi những khoảng phụ thu mà họ áp dụng mấy năm qua do việc xăng lên giá.
Khắp nơi tại Á châu, tài xế xe hơi, người sở hữu doanh nghiệp nhỏ và các chính phủ đều thấy việc xăng giảm giá khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng theo các kinh tế gia và các chuyên viên về giao thông vận tải, thì việc giảm giá như thế vẫn không ngăn được một cuộc suy thoái tại nhiều nơi, hoặc giúp các hãng máy bay không bị lỗ lã.
Giá xăng hiện đã rớt xuống dưới 60 đô la một thùng, so với cao điểm giá 147 đô la 1 thùng vào tháng 7, lý do chính là vì nền kinh tế toàn cầu suy yếu đã làm giảm mức cầu, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Ông Tim Condon là chiến lược gia vùng của ngân hàng đầu tư ING tại Singapore. Theo ông thì giá xăng hạ đã giúp chính quyền các nước Á châu đương đầu với sự suy yếu. Trước hết, giá hạ giúp giảm thiểu tỉ lệ lạm phát, điều đó có nghĩa là các chính phủ có thể linh động cắt giảm lãi suất hoặc áp dụng những biện pháp khác nhằm kích hoạt nền kinh tế.
Thứ hai, đối với những nước áp dụng bao cấp xăng cho người tiêu thụ, chẳng hạn như Indonesia, thì giá hạ sẽ giảm bớt gánh nặng cho chính phủ. Và sau hết, xăng rẻ hơn, người tiêu thụ có thể tiêu pha nhiều hơn cho những mặt hàng khác.
Tuy nhiên, ông Condon nói thêm, giá xăng hạ chưa chắc đã giúp nền kinh tế châu Á bộc phát trở lại, vì sự tăng trưởng ở đây phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cho những nước phát triển Tây phương.
Ông Condon nói: “Giá xăng hạ có thể do mức tăng trưởng toàn cầu bị chậm lại. Khi anh cho người tiêu thụ tại Á châu hưởng giá xăng hạ, thì giống như anh đã lấy lại từ nhà xuất khẩu Á châu tại các thị trường xuất khẩu. Như vậy tôi nghĩ là, trên thực tế thì kết toán vẫn là số âm.”
Ông Condon nói thêm, nếu giá xăng còn thấp trong nhiều tháng nữa, Á châu sẽ giải quyết thêm được một số thiệt hại do suy thoái toàn cầu đem lại, nhưng không có nghĩa là tất cả.
Các hãng hàng không đã bị ảnh hưởng mạnh từ việc xăng lên giá từ 2 năm qua, nhất là tại Á châu, nơi việc di chuyển từ nước này qua nước khác thường là bằng đường hàng không. Theo Hiệp Hội Vận tải Hàng không Quốc tế gọi tắt là IATA, thì các hãng hàng không có thể sẽ bị thất thoát khoảng 5 tỉ năm nay, và trên 4 tỉ vào năm tới.
Tuy nhiên, phát ngôn viên IATA tại Á châu là Albert Tjoeng nói rằng vấn đề không chỉ là giá dầu.
Ông Tjoeng nói: “Tuy tin vui là giá dầu hạ gần phân nửa so với đỉnh của nó hồi tháng 7, nhưng vẫn không đủ để bù lại ảnh hưởng việc mức cầu bị hạ. Cho nên tôi cho rằng, với đà này, thì những thất thoát trong ngành công nghiệp sẽ còn sâu đậm hơn là mức chúng ta đã tiên đoán hồi tháng 9.”
Lượng hành khách đường hàng không đã sụt gần 3% trên thế giới, và hạ gần 7% tại Á châu, là mức mà IATA coi là mức báo động. Oâng Tjong nói đó là mức hạ đầu tiên kể từ khi bệnh SARS bột phát tại Á châu vào đầu năm 2003.
Nhằm đương đầu với giá xăng tăng cao, trong năm vừa qua nhiều hãng hàng không đã giảm bớt dịch vụ và giảm các chuyến bay, nhất là những chuyến xuyên đại dương, vì những chuyến bay này rất hao xăng. Ông Tjong nói việc giá xăng hạ không đủ thuyết phục các hãng hàng không mở lại những chuyến bay đó. Theo ông, họ đợi mức cầu về khách hàng vững vàng trở lại rồi mới gia tăng dịch vụ.
Đối với các chủ doanh nghiệp, giá năng lượng cao chỉ là 1 trong các vấn nạn. Chủ một phòng trưng bày nghệ thuật và đồ cổ tại Hong Kong, cô Sally Chu, đã giảm giá các mặt hàng của cô, và còn tính đến chuyện đóng cửa tiệm vì nền kinh tế yếu kém đã ảnh hưởng xấu đến lượng hàng bán ra.
Cô Chu nói: “Chúng tôi vẫn cố gắng buôn bán để đương đầu với khủng hoảng. Mong rằng sẽ khá hơn. Chúng tôi tin rằng thành phố và dân chúng đang cố gắng hết sức, và nền kinh tế không bao lâu sẽ ổn thôi.”
Mặc dù xăng dầu giảm giá mạnh, Ngân hàng Thế giới tiên đoán là vào năm tới, các nền kinh tế đang tăng trưởng tại Á châu sẽ có mức phát triển bình quân ít hơn 5%, so với 7% từ 2004 tới 2007. Trên thế giới nói chung, mức phát triển trung bình chỉ đạt ít hơn 3%, kém nhiều so với 5% của năm ngoái.