Đường dẫn truy cập

Chính trị gia Somalia bị quy trách về nạn hải tặc


Nhà ngoại giao hàng đầu của Châu Phi quy trách cho các chính trị gia kình chống nhau về các hoạt động ngày càng tăng của hải tặc dọc theo vùng duyên hải Sừng Phi Châu, và kêu gọi quốc tế gấp rút can thiệp. Từ trụ sở Liên hiệp Phi Châu ở Addis Ababa, thông tín viên Peter Heinlein của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Chủ tịch Ủy hội Liên hiệp Phi Châu Jean Ping đang mở các cuộc đàm phán khẩn cấp về vấn đề hải tặc với nhiều nhà ngoại giao Châu Âu, kể cả ngoại trưởng Bernard Kouchner của Pháp đang đi thăm Phi Châu. Pháp là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu. Phát biểu với đài VOA, ông Ping nói rằng sự tăng vọt trong hoạt động của hải tặc Somalia là một dấu hiệu thất bại chính trị đã đưa chính phủ chuyển tiếp của Somalia được Liên hiệp quốc hậu thuẫn đến bờ vực sụp đổ.

Ông Ping nói: “Cướp biển là một sự nối dài trên biển của vấn đề ta đang phải đối phó trên bộ. Dĩ nhiên chúng ta đã bàn về tất cả những vấn đề như hải tặc, một khía cạnh quan trọng của toàn bộ tình trạng hỗn loạn đã có sẵn trên lãnh thổ Somalia. ”

Một thông cáo của Liên hiệp Phi Châu kêu gọi Hội đồng Bảo an phái một lực lượng gìn giữ hoà bình để yểm trợ cho một lực lượng của Liên hiệp Phi Châu đang bị đặt dưới nhiều áp lực với khoảng 3,400 binh sĩ tìm cách duy trì trật tự trong một quốc gia vô luật pháp, nơi sinh cư của phe nổi dậy hồi giáo sôi sục.

Thông cáo trích thuật lời ông Ping nói rằng hải tặc là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự suy đồi tệ hại hơn của tình hình chính trị tại Somalia, với các hậu quả lan rộng qua toàn bộ vùng Sừng Phi Châu.

Trong một thông điệp có ý nhắm vào các nhà lãnh đạo kình chống nhau ở Somalia trong tuần này, cả Liên hiệp quốc lẫn tổ chức Thẩm quyền Liên chính phủ về Phát triển trong vùng Đông Phi Châu đều chấp thuận các biện pháp chế tài kinh tế đối với bất cứ ai ngăn chặn các nỗ lực hòa bình tại quốc gia ở Sừng Phi Châu này.

Các nhà ngoại giao cho rằng các giải pháp đều nhắm vào các chính trị gia và bọn hải tặc, cả hai đều góp phần gây ra tình trạng bất ổn đã dẫn đến điều mà các giới chức cứu trợ gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất trên thế giới.

Sự tăng vọt hoạt động hải tặc tại Somalia đã khiến công ty hàng hải lớn nhất thế giới là A.P. Moeller-Maersk của Đan Mạch phải đình chỉ hoạt động hải hành qua Vịnh Aden. Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Aán Độ, và Nga đã phái các tàu hải quân đến khu vực để tìm cách bảo vệ những chiếc tàu thương mại.

Nhưng các giới chức thừa nhận rằng sẽ rất khó khăn để làm công tác thanh tra cảnh sát các vùng đại dương bao la nơi hải tặc được trang bị vũ khí hùng hậu đang hoạt động với những chiếc tàu cao tốc rất mạnh.

Hải tặc đã cướp 8 chiếc tàu trong hai tuần vừa qua, kể cả một chiếc tàu chở dầu lớn chở dầu thô trị giá 100 triệu đôla.

Trong một trường hợp hiếm hoi của các biện pháp chống hải tặc, một tàu hải quân Ấn Độ đã tiêu diệt một chiếc tàu mẹ của hải tặc trong Vịnh Aden. Những chiếc tàu mẹ này được sử dụng để chuyên chở các tay súng và tàu cao tốc đến những mục tiêu ở ngoài khơi.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG