Tổng thống Bush nói rằng quyết định của chính phủ liên bang cứu nguy cho tập đoàn tài chánh khổng lồ Citigroup nằm trong khuôn khổ của nỗ lực vẫn đang tiếp diễn của chính phủ Mỹ cứu ngành tài chánh nói chung ra khỏi cuộc khủng hoảng. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình rằng các quan chức cho biết họ đã thấy những dấu hiệu của sự ổn định bắt đầu xuất hiện trở lại trong hệ thống tài chánh.
Tổng thống Bush nói rằng nền kinh tế của nước Mỹ sẽ hồi phục qua khỏi thời buổi kinh tế khó khăn và bước đầu tiên để tiến tới hồi phục là nỗ lực bảo vệ hệ thống tài chánh. Tổng thống Bush nói rằng nỗ lực này bao gồm hành động hỗ trợ cho tập đoàn Citigroup - một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất trong ngành ngân hàng và tín dụng.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng tôi đã từng quyết định như vậy trong quá khứ, và đêm hôm qua chúng tôi lại đưa ra một quyết định tương tự như vậy. Và nếu cần, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định như vậy để bảo vệ cho hệ thống tài chánh trong tương lai.
Tổng thống Bush đã phát biểu như vậy, sau cuộc họp với Bộ trưởng Tài chánh Henry Paulson, nhân vật được xem là người soạn thảo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Bush để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh.
Tổng thống Bush nói rằng ông đã hội ý với Tổng thống tân cử Barack Obama về quyết định trợ giúp cho tập đoàn Citigroup, trong đó có việc chính phủ sẽ đầu tư 20 tỉ đôla vào tập đoàn này, cùng với việc chính phủ liên bang đứng ra bảo đảm cho hàng trăm tỉ đôla mà tập đoàn này đang nợ.
Không lâu sau khi Tổng thống Bush loan báo quyết định này, Tổng thống tân cử Barack Obama đã chủ tọa một cuộc họp báo để giới thiệu đội ngũ quản lý kinh tế mới trong tân nội các chính phủ của ông, đáng chú ý nhất là ông Tim Geithner, một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang, được ông Obama chọn làm tân bộ trưởng tài chánh.
Tổng thống tân cử Obama hứa sẽ tôn trọng những cam kết tài chánh chính quyền của Tổng thống Bush Bush đã đưa ra trong kế hoạch tổng thể cứu nguy cho ngành tài chánh. Và ông hứa sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ của chính phủ cho những người dân Mỹ có mức sống trung bình, đang bị ảnh hưởng của tình trạng kinh tế đi xuống. Ông Obama nhấn mạnh rằng sẽ không có những giải pháp khắc phục nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng tài chánh.
Cổ phiếu của Citigroup đã giảm giá mạnh trên thị trường trong mấy tháng gần đây. Việc tập đoàn tài chánh khổng lồ này phải nhận trợ giúp của chương trình cứu nguy khẩn cấp của chính phủ liên bang là diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng tài chánh, bắt nguồn từ tình trạng nhà cửa bị ngân hàng tịch biên vì quá nhiều người vay tiền mua nhà không trả nổi nợ đã làm chao đảo nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.
Ngân khoản dành để cứu nguy Citigroup nằm trong khuôn khổ của kế hoạch tổng thể dùng 700 tỉ đôla ngân sách để cứu ngành tài chánh mà Quốc hội đã thông qua hồi tháng trước. Tính cho đến thời điểm này thì khoảng 40% số ngân khoản 700 tỉ đôla đã được chi dụng.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Tony Fratto nói rằng Tổng thống Bush quyết tâm áp dụng các biện pháp chủ động để khống chế cuộc khủng hoảng tài chánh trong những tuần lễ còn lại của nhiệm quyền của ông.
Ông Fratto nói: “Chúng tôi không muốn chờ cho đến khi các công ty thực sự sụp đổ và không thể nào cứu chữa được nữa. Chúng tôi muốn ngăn ngừa, không để cho tình trạng đó xảy ra, không chỉ để ngăn chặn bớt các thiệt hại cho nền kinh tế thôi, mà còn hỗ trợ về cơ cấu vốn cho cho các ngân hàng, để ngân hàng có thể tiếp tục vai trò trọng yếu trong nền kinh tế - đó là cấp vốn vay cho thị trường.
Phát ngôn viên Fratto nói rằng chiến lược này đã bắt đầu mang lại thành quả. Ông nói nhiều ngân hàng đã cho thấy những cải tiến trên bảng cân đối kế toán, và điều đó tạo cho ngân hàng có nhiều điều kiện tốt hơn trong việc cấp vốn vay cho các cá nhân và doanh nghiệp để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế.
Ông Fratto cũng nói rằng quá trình hồi phục của nền kinh tế không diễn ra 'theo một đường thẳng,' mà sẽ vẫn còn nhiều thách thức đang đón chờ phía trước.