Thủ lãnh của nhóm hải tặc đang cầm giữ chiếc tàu dầu vĩ đại thuộc quyền sở hữu của Ả Rập Saudi đang chở một lượng dầu hỏa trị giá đến 100 triệu đôla đã bác bỏ các tin nói rằng nhóm này đã đưa tàu ra xa thị trấn duyên hải Haradhere ở trung bộ Somali, nơi mà theo tin cho hay trước đó chiếc tàu đã được thả neo trong hơn một tuần lễ. Các nhân chứng cho hay bọn hải tặc đã đưa tàu đi nơi khác sau khi các nhóm đấu tranh Hồi Giáo đe dọa sẽ giải cứu chiếc tàu bằng vũ lực. Thông tín viên Alisha Ryu gửi về bài tường trình sau đây từ văn phòng Đông-Phi của Đài VOA ở Nairobi.
Nói chuyện với đài VOA qua điện thoại vệ tinh từ trên chiếc tàu dầu bị cướp, thủ lãnh của nhóm hải tặc không chịu nêu danh tính, và khẳng định chiếc tàu liên hệ hãy còn thả neo ngoài khơi El Gaan ở gần thị trấn Haradhere thuộc trung bộ Somali.
Viên thủ lãnh này nói nhóm của ông ta không đưa chiếc tàu dầu đi nơi khác, và không sợ sẽ bị tổ chức al-Shabab hoặc bất cứ nhóm Hồi Giáo nào khác tấn công. Thủ lãnh của nhóm hải tặc từ chối, không xác nhận tin nói rằng nhóm hải tặc có thể hạ bớt số tiền đòi chuộc tàu là 25 triệu đôla, để thả chiếc tàu dầu và thủy thủ đoàn gồm 25 người trên tàu.
Một cư dân tại Haradhere, yêu cầu được dấu danh tính vì lo sợ cho an ninh của chính mình, nói với đài VOA rằng nhóm hải tặc đã đưa chiếc tàu đi ra biển cách đây 2 ngày.
Nhân chứng này nói chiếc tàu giờ đây đang ở một địa điểm cách xa thị trấn, ông nói nhóm hải tặc đã bỏ trốn vì sợ các lực lượng dân quân Hồi giáo đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công để giải cứu chiếc tàu.
Ngày 15 tháng 11, trong một hành động táo bạo, bọn hải tặc đã tấn công chiếc tàu Sirius Star của Ả Rập Saudi. Chiếc tàu dầu này dài 330 mét đang chở 2 triệu thùng dầu thô sang Bắc Mỹ. Chiếc tàu bị hải tặc cưỡng chiếm tại một địa điểm nằm cách bờ biển 800 km, trong khi tàu đang trực chỉ Mũi Hảo Vọng
Các nhóm Hồi Giáo Somali đang tiến hành một cuộc nổi dậy chống chính quyền liên bang chuyển tiếp và người Ethiopia hậu thuẫn cho họ đã gọi vụ cướp tàu là một tội ác chống đạo Hồi, đồng thời lên tiếng đòi nhóm hải tặc phải tức khắc trả tự do cho chiếc tàu dầu.
Lời lên án vừa kể là một dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết của phong trào Hồi Giáo vốn đã chia thành nhiều phe phái, và hiện về phần lớn đang bị chia rẽ giữa một bên là Liên Minh các Tòa Án Hồi Giáo, là nhóm đã bị Ethiopia, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, lật đổ khỏi vị thế quyền lực đầu năm 2006 , và một đàng là nhóm Shabab vốn có lập trường cực đoan hơn. Nhóm Shabab từng là cánh quân sự của Liên Minh các Tòa Án Hồi Giáo. Shabab đã bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức al-Qaida.
Có tin chưa được kiểm chứng nói rằng hàng chục dân quân thuộc Liên Minh các Tòa Án Hồi Giáo, vốn nắm quyền kiểm soát thị trấn Haradhere, đã đột kích hải cảng tại thị trấn này hôm thứ Sáu tuần trước để truy lùng nhóm hải tặc.
Trong năm nay, cướp biển Somali đã thực hiện thành công hàng chục vụ cướp tàu của tư nhân, các tàu chuyên chở, cũng như các tàu vận chuyển hàng hóa ở ngoài khơi Somali, thu về hàng chục triệu đôla tiền chuộc tàu và chuộc mạng. Hoạt động cướp biển đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và chi phí bảo hiểm, dẫn đến việc các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga và nhiều quốc gia NATO khác triển khai thêm nhiều tàu chiến đến khu vực để bảo vệ các hoạt động giao dịch và thương mại quốc tế.
Tại thành phố cảng Kismayo ở miền Nam Somalia, người phát ngôn của chính quyền do phe Shabab cầm đầu, ông Hassan Yacub, đã bác bỏ những lời cáo buộc của các nước Tây Phương cho rằng các phần tử đấu tranh Hồi Giáo đã cấu kết với hải tặc và được hưởng lợi từ các khoản tiền chuộc. Nói chuyện với đài VOA, ông Yacub nói phe Hồi Giáo của ông sẽ diệt trừ các hoạt động hải tặc nếu họ chiếm lại quyền lực tại Somalia.
Người phát ngôn của tổ chức Shabab nói một chính quyền Hồi Giáo tại Somalia sẽ bảo vệ các vùng lãnh hải ngoài khơi Somalia, và nói rằng những kẻ cướp biển không ngưng hoạt động, sẽ bị trừng phạt nghiêm ngặt.
Trong mấy tháng gần đây, nhóm Shabab đã chiếm lại được phần lớn vùng lãnh thổ phía Nam và trung bộ Somalia, và hiện đang tiến gần đến thủ đô Mogadishu. Trong khoảng thời gian 6 tháng năm 2006 khi Somalia nằm dưới quyền cai trị của Liên Minh các Tòa Án Hồi Giáo, hầu như không có hành động cướp biển nào xảy ra. Theo luật Hồi Giáo, cướp biển bị trừng phạt bằng bản án tử hình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1