Bắc và Nam Triều Tiên đang tiến một bước gần hơn đến tình trạng mà một số người lo ngại có thể đi đến việc đóng cửa một dự án công nghiệp mang nặng tính cách tượng trưng. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Kurt Achin từ Hán Thành, Nam Triều Tiên sắp rút ít nhất 6 trong số các viên chức của họ trước ngày mà Bắc Triều Tiên dọa sẽ đóng cửa biên giới.
Phát ngôn viên Bộ thống nhất Nam Triều tiên Kim Ho-Nyoun cho biết, các viên chức chính phủ sẽ rời khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên về nước trong tuần này.
Ông Kim nói, vào trưa thứ sáu, các viên chức vừa nói sẽ băng qua lằn ranh quân sự ngăn đôi 2 nước Triều tiên và rút về miền Nam.
Khu Kaesong đã được Nam Triều Tiên kiến thiết và điều hành, và là một trong những trọng điểm của nỗ lực 10 năm của miền Nam, nhằm giao tiếp với miền Bắc bằng đường lối hòa bình, qua các chương trình viện trợ và đầu tư. Tuy nhiên, bang giao Nam Bắc đã nguội lạnh từ khi vị Tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak nhậm chức hồi tháng Giêng, và siết chặt sự hào phóng vô điều kiện mà các Chính quyền tiền nhiệm dành cho miền Bắc.
Ông Lee Muyng Bak, mà miền Bắc gán cho nhãn hiệu 'kẻ phản bội', đã buộc các chương trình viện trợ của Nam Triều Tiên phải tùy thuộc vào sự hợp tác của Bắc Triều Tiên trong những vấn đề then chốt, tỷ như, hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ.
Tuần này, Bắc Triều Tiên đã đình chỉ một chương trình tham quan tới Kaesong, và hoãn dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng xe lửa hàng ngày từ miền Nam. Một chương trình du lịch tới núi Kim Cương của miền Bắc cũng bị đình chỉ, từ khi một quân nhân Bắc Triều tiên bắn chết 1 phụ nữ Nam Triều tiên, sau đó không chịu hợp tác trong cuộc điều tra. Bình Nhưỡng đã cảnh báo, họ hạn chế toàn bộ việc qua lại biên giới của người Nam Triều tiên kể từ thứ Hai.
Hôm nay, Bộ trưởng bộ Thống nhất Kim ha-Joong nói với các nhà làm luật rằng ông không thể ngăn cản việc đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp Kaesong.
Ông Kim Ha-joong nói ông nghĩ việc đóng cửa khu Kaesong chắc sẽ không xảy ra, nhưng ông không thể không cứu xét tới khả năng đó.
Ông Kim nói thêm, những quyết định mới đây của miền Bắc không liên quan gì đến đường lối cứng rắn của Nam Triều tiên. Oâng cho biết, đúng hơn, là họ không muốn mở lại cuộc đối thoại với Nam Triều tiên.
Bắc Triều tiên tố cáo chính quyền Tổng thống Lee là đã không tôn trọng những thỏa thuận Nam Bắc trước kia, theo đó miền Nam đã hứa hẹn hàng tỉ dollar để đầu tư về hạ tầng cơ sở, và viện trợ cho miền Bắc. Trong một cuộc phỏng vấn trên Hệ thống Truyền thanh tuần này, vị chủ tịch Đảng cầm quyền Bảo thủ của Tổng thống Lee mô tả những thỏa thuận vừa nêu là 'không thực tế'.
Bắc và Nam Triều tiên vẫn dự định ngồi lại với nhau vào tháng tới, tại các cuộc hội đàm đa quốc gia, nhằm chấm dứt khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tham gia các cuộc hội đàm này còn có cả Hoa Kỳ.
Đại sứ Mỹ tại Nam Triều Tiên, bà Kathleen Stephens, tuyên bố hôm nay rằng bất kỳ mưu toan nào của Bình Nhưỡng nhằm chia rẽ Nam Triều Tiên với đồng minh Hoa Kỳ đều sẽ thất bại.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1