Ngân hàng Thế giới và một tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở Washington nói rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại một cách đáng kể, chủ yếu do nhu cầu xuất khẩu hạ giảm. Thông tín viên Barry Wood của đài VOA ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Trong bản dự báo mới nhất, Ngân hàng Thế giới nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ sụt xuống còn 9,4% trong năm nay – so với tỷ lệ gần 12% trong năm 2007. Ngân hàng nói rằng tăng trưởng kinh tế sẽ còn chậm hơn trong năm 2009, có thể sẽ chỉ đạt tới mức không cao hơn 7,5%.
Ông Nicholas Lardy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa, xuống tới khoảng 6% trong năm 2009.
Ông Lardy nói: “Đại khái, tăng trưởng của Trung Quốc đã xuống phân nửa, từ cao điểm xuống tới tỷ lệ hiện nay. Chắc chắn đây là mức giảm thiểu tăng trưởng kinh tế nhanh nhất vào bất cứ thời điểm nào trong 30 năm kể từ khi công cuộc cải cách ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1978.”
Ông Fred Bergsten, giám đốc viện Peterson, nói rằng ngay cả với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn trong sự tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Ông Bergsten nói: “Trung Quốc là nước xuất khẩu đứng hàng thứ nhì trên thế giới, sau Đức và trên Hoa Kỳ, và chắc chắn là nước có khối luợng mậu dịch và mức thặng dư hiện thời lớn nhất, với trữ luợng ngoại tệ không những lớn nhất thế giới, lên tới gần 2,000 tỷ đôla, mà còn cao gấp đôi trữ lượng của Nhật Bản, là nước xếp hạng nhì về hạng mục này.”
Ông Bergsten khen ngợi chương trình kích hoạt kinh tế khẩn cấp mới đây của Trung Quốc, và gọi đó là một đóng góp quan trọng để duy trì nhu cầu trong nước khi nền kinh tế toàn cầu bị trì trệ.
Nhà khảo cứu Nicholas Lardy cho rằng Trung Quốc cần cho phép định lại giá trị chỉ tệ của họ nhanh hơn để điều chỉnh những sự mất cân bằng trên toàn cầu.
Ông Lardy nói: “Vấn đề ở đây là chỉ tệ bị đánh giá thấp hơn thực tế gửi đi một tín hiệu định giá sai cho thị trường. Nó gia tăng hiệu suất lời trong khu vực các mặt hàng có thể trao đổi, phần lớn là hàng sản xuất, và trong vòng 5 hay 6 năm vừa qua, ta đã thấy lượng đầu tư tăng gấp đôi trong khu vực sản xuất.”
Nhưng ông Lardy không lấy làm lạc quan rằng trong tình hình môi trường toàn cầu khó khăn, Trung Quốc sẽ xúc tiến nhanh hơn việc tăng giá chỉ tệ của họ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1