Đường dẫn truy cập

Thủ Tướng Thái tuyên bố không từ chức


Thủ tướng Thái Lan từ chối thực hiện yêu cầu của nhà lãnh đạo quân sự cao cấp nhất,đòi giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử mới. Theo tường thuật của Thông tín viên Ron Corben từ thủ đô Bangkok Thủ tướng Thái bác bỏ yêu cầu này sau khi ông trở về nước từ hội nghị APEC, nơi ông trực diện với làn sóng biểu tình phản đối khiến phi trường chính phải đóng cửa.

Trở về nước hôm thứ tư sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat, tuyên bố rằng chính phủ của ông là chính phủ được bầu lên một cách dân chủ và sẽ tiếp tục phục vụ đất nước.

Ông Somchai nói rằng Thái Lan đang bị thiệt hại vì các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan tràn khắp nước.

Trước đó, Tổng tư lệnh Quân đội Thái Anupong Paochinda kêu gọi Thủ tướng từ chức và nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử sớm.

Tướng Anupong nói rằng quân đội không hề tìm cách nắm quyền, nhưng đề nghị với chính phủ là hãy giao trả quyền lại cho dân chúng. Ông cũng kêu gọi đảng Liên minh Dân chủ Nhân Dân, gọi tắt là PAD, hãy chấm dứt các cuộc biểu tình phản đối, kể cả vụ những người biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế chính trong thủ đô trong mấy ngày gần đây, và cho đến tối thứ tư sân bay vẫn đóng cửa.

Hồi đầu tháng 10, Tướng Anupong kêu gọi Thủ tướng Somchai từ chức, sau khi xảy ra vụ cảnh sát biên phòng bắn hơi cay giải tán đoàn biểu tình. Hai người bị thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong vụ này.

Đảng PAD đòi ông Somchai từ chức và cáo giác ông hành động cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ cách đây 2 năm và đảng PAD xem ông là một người tham nhũng và độc tài.

Ông Somchai cũng tuyên bố ông sẽ họp với các thành viên nội các vào hôm nay, thứ năm để tìm cách đối phó với các cuộc biểu tình của đảng PAD.

Nhằm tạo sức ép đối với những đòi hỏi họ đưa ra, trong tuần này đảng PAD đã phong tỏa Quốc hội và không cho nội các hội họp. Các lực lượng an ninh đã không phản ứng mạnh và dường như đã quyết định tránh xô xát với người biểu tình.

Ông Kraisak Choonhavan, một đại biểu quốc hội thuộc Đảng Dân chủ đối lập nói rằng đảng PAD đã đưa hàng ngàn ủng hộ viên từ nông thôn đến thủ đô.

Ông Kraisak nói: “Họ đang tìm cách khích động một cuộc đình công nhằm làm tê liệt chính phủ.”

Tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi một nhà lãnh đạo của đảng PAD hô hào hàng ngàn người biểu tình rằng họ không phải là người xấu. Ông nói rằng họ không phải là những kẻ trộm cắp hay bù nhìn, ông muốn ám chỉ các biểu ngữ phản đối, gọi Thủ tướng là một kẻ bù nhìn tham nhũng .

Hồi tối thứ ba, hàng ngàn người biểu tình chiếm sân bay và thề quyết sẽ không cho sân bay mở cửa hoạt động lại cho đến khi nào chính phủ từ chức. Sự kiện này đã khiến cho hàng ngàn hành khách bị kẹt lại Thái Lan.

Ông Dieter Ghrling và các bạn đồng hành của ông rất bực mình vì phải chờ đợi lâu và không nhận được đầy đủ tin tức.

Ông Ghrling nói: “Chúng tôi đã và đang phải chờ chừng 24 tiếng đồng hồ và không còn chịu nổi nữa. Chúng tôi phải về Đức, nhưng giờ phải ở lại đây với nhóm và đợi xe buýt. Tổ chức thật là tồi tệ. Nhiều người phải chờ và tổ chức thật tệ.”

Ông nói rằng mặc dù trong vài năm nữa có thể ông sẽ trở lại Thái Lan, nhưng năm tới thì sẽ không có chuyện đó.

Ngành du lịch đóng góp khoảng 6% cho kinh tế Thái Lan. Ngay trước khi sân bay bị phong tỏa và đóng cửa, số vé đăng ký đi Thái Lan cũng đã giảm trong năm nay, vì kinh tế thế giới yếu kém và vì tình hình chính trị căng thẳng tại quốc gia này.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG