Các giới chức Nam Triều Tiên thường làm việc ở Bắc Triều Tiên đã trở về nhà vào lúc bang giao giữa hai nước đối thủ thời chiến tranh lạnh xấu đi. Cả hai bên đang sẵn sàng trước việc đóng cửa toàn bộ biên giới mà Bắc Triều Tiên đã dọa sẽ thực hiện vào tuần tới. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, một chuyến xe lửa chở hàng của Nam Triều Tiên băng qua biên giới lần chót vào Bắc Triều Tiên. Các chuyến tầu băng qua biên giới hàng ngày được coi là có giá trị tượng trưng đến độ nhiều khi tầu thực hiện cuộc hành trình qua miền bắc mà hoàn toàn trống trơn không có hàng hóa gì cả.
Người lái tàu, ông Shin Jang-cheol nói rằng mặc dầu dịch vụ hoả xa bị đình chỉ tạm thời, ông hy vọng dịch vụ sẽ sớm được nối lại trong tương lai.
Tuyến xe lửa và một chương trình du lịch đến thành phố Kaesong của Bắc Triều Tiên là các dự án liên Triều Tiên mới nhất bị đình trệ vào lúc bang giao giữa hai bên xấu đi. Một khu du lịch liên daonh đã ngưng hoạt động sau khi các binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn một bà nội trợ Nam Triều Tiên đi du lịch, rồi sau đó không chịu hợp tác trong cuộc điều tra.
Có 6 viên chức chính phủ Nam Triều Tiên trong số những ngưòi băng qua biên giới vào miền Nam hôm nay sau khi rời khỏi nhiệm sở tại một khu công nghiệp liên doanh ở Kaesong. Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Kim Ho-nyeon nói rằng còn hàng trăm người Nam Triều Tiên khác cũng sẽ trở về nhà.
Ông Kim nói rằng trong số hơn 4,000 người Nam Triều Tiên có thị thực của miền Bắc để ở lại khu công nghiệp Kaesong, thì có khoảng 1,500 người đã được phép ở lại sau ngày 1 tháng 12.
Ngày 1 tháng 12 rơi vào thứ hai trong tuần, là ngày mà Bắc Triều Tiên đã quyết định hạn chế toàn bộ những vụ băng qua biên giới với phía nam. Bình Nhưỡng tức giận về các chính sách bảo thủ của tổng thống Lee Myung-bak của Nam Triều Tiên, người mà giới truyền thông miền bắc mô tả là 'kẻ phản bội'.
Khi lên nhậm chức hồi tháng giêng năm nay, tổng thống Lee đã chấm dứt 10 năm nỗ lực của các chính phủ tiền nhiệm mưu tìm sự thân thiện với miền Bắc để đổi lấy viện trợ và đầu tư ồ ạt của miền nam.
Bắc Triều Tiên tố cáo chính phủ của ông Lee là trì trệ trong việc thực thi các hiệp định mà hai vị tiền nhiệm của ông đã ký kết hứa hẹn Nam Triều Tiên dành hàng tỷ đôla tài trợ cho các dự án ở miền bắc.
Bắc Triều Tiên cũng bầy tỏ sự phẫn nộ trước việc Nam Triều Tiên không ngăn chặn được các tổ chức tư nhân dùng bong bóng bay thả truyền đơn xuống miền bắc. Các truyền đơn này gay gắt chỉ trích lãnh tụ Kim Jong-il của miền Bắc, và chức thông tin mật về việc có thể ông đang hồi phục sau một cơn tai biến.
Cựu tổng thống Nam Triều Tiên, ông Kim Dae-jung, người đã kiến tạo chính sách được mệnh danh là Ánh dương, dành viện trợ vô điều kiện cho miền bắc, tuần này đã lên án tổng thống Lee là cố ý gây phương hại cho bang giao Bắc-Nam.
Ông Yoon Sang-hyun, một nhà lập pháp thuộc đảng đương quyền của tổng thống Nam Triều Tiên cho rằng ông Lee có lý khi liên kết viện trợ của Nam Triều Tiên với sự hợp tác của Bắc Triều Tiên về các vấn đề như giải giới hạt nhân.
Ông Yoon nói rằng cuộc khủng hoảng chính ở đây là bản thân chính phủ Bắc Triều Tiên. Theo ông, không phải Nam Triều Tiên cần thay đổi chính sách, mà là Bắc Triều Tiên cần phải thay đổi.
Nhiều chuyên gia nói rằng các dự án Bắc-Nam như khu công nghiệp Kaesong hiện đang có nguy cơ tiến đến một sự kết thúc toàn bộ. Ngay cả nếu như Kaesong tiếp tục hoạt động, thì các kinh tế gai cho rằng các nhà đầu tư cũng sẽ lo ngại nhiều hơn trong việc cam kết các tài nguyên và nhân viên vào dự án.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1