Thị trường chứng khoán Ấn Độ hôm thứ Sáu đã gia tăng đôi chút, bất chấp những cuộc tấn công khủng bố tại Mumbai. Tuy nhiên, như thông tín viên Anjana Pasrisha của đài VOA tường trình từ New Delhi, người ta e rằng vụ khủng bố này có thể làm giảm niềm tin vào Ấn Độ, một nền kinh tế vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong lúc thị trường chứng khoán tại Mumbai bắt đầu giao dịch trở lại vào sáng thứ Sáu, thì chỉ cách đó vài kilomet, những toán biệt kích và quân nhân tiếp tục tìm cách khuất phục các tay khủng bố đang giữ con tin bên trong 2 khách sạn hạng sang, cũng như tại một trung tâm của người Do Thái.
Tuy nhiên, vụ khủng bố khủng khiếp đó đã không làm các thị trường hốt hoảng. Chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ, là chỉ số Sensex, chấm dứt ngày giao dịch tại điểm 9.092, tức là lên lại được gần 1%.
Điều đó đối với một số người cũng không phải là chuyện lạ. Họ cho rằng Mumbai trung tâm tài chánh của Ấn độ đã quen với khủng bố, và sẽ hồi phục lại.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn lo ngại rằng những hình ảnh truyền đi trên toàn thế giới về những toán biệt kích tràn vào các khách sạn sang trọng để giải cứu người nước ngoài tại Mumbai, thành phố được xem là đầu não của nền kinh tế Ấn Độ có thể làm lung lay niềm tin của người đầu tư.
Họ nêu lên tính cách khác biệt của cuộc tấn công lần này, so với bất cứ lần nào khác tại Ấn Độ. Nó nhắm vào những khách sạn chính của thành phố là Taj Mahal và Trident-Oberoi, là những nơi mà khách trọ thường là các du khách giàu có trong và ngoài nước và là nơi diễn ra những cuộc họp của giới doanh nghiệp có uy tín.
Theo ông K.V. Kamath, Giám đốc Điều hành của ICICI, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Ấn Độ, thì biến cố này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng ông mong là nó sẽ không tồn tại lâu.
Ông Kamath nói: “Biến cố này đánh vào giới doanh nghiệp nói chung, bởi vì tôi nghĩ rằng rõ ràng nó cho thấy những cơ sở của chúng ta có thể bị xâm phạm, cho dù là những cơ sở doanh nghiệp như khách sạn, hay loại hình doanh thương nào khác thì cũng có thể bị xâm phạm.”
Trong một nước mà nhiều người nghĩ rằng chính phủ không tỏ quyết tâm giải quyết nạn khủng bố, nhiều giới đã đưa ra lời kêu gọi phải gia tăng các biện pháp an ninh.
Nhiều người khác tỏ ý tin tưởng là người nước ngoài muốn đầu tư vào Ấn sẽ không nản lòng. Ông Mark Matthews Giám đốc Chiến lược châu Á tại ngân hàng đầu tư Merril Lynch tuyên bố trên đài Truyền hình của Ấn Độ rằng những cuộc tấn công tại Mumbai có lẽ sẽ không ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài.
Ông Matthews nói: “Người ta sẽ lướt qua nó thôi. Thì đương nhiên mọi sự sẽ thay đổi ít nhiều ở Bombay. Bạn sẽ thấy nhiều máy rà soát vũ khí hơn nữa và việc khám xét sẽ gia tăng ở quanh khu vực văn phòng và khách sạn, nhưng người ta sẽ quen thôi. Bạn sẽ gặp những điều đó khi đi nhiều nước khác tại châu Á, vì dụ như khi tới Colombo hoặc Jakarta.”
Vụ khủng bố tại Mumbai xảy ra đúng vào thời điểm Ấn Độ đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đang đánh vào kinh tế Ấn, khiến cho tốc độ tăng trưởng bị chậm lại, sau 5 năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Cho tới nay, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ rút về 13 tỉ dollar. Kể từ đầu năm, chỉ số chứng khoán chính đã mất 50%, trong lúc đồng ru pi của Ấn đã rớt giá gần 20% so với đồng dollar Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1