Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Đài Loan, nơi có hàng chục ngàn công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, bên cạnh hàng vạn cô dâu do chồng đưa về nước. Nhiều công nhân đã bị sa thải sau khi đã tốn rất nhiều tiền để sang đến nơi, và bây giờ không biết tương lai của mình ra sao.
Mặc dù Đài Loan có nền kinh tế phát triển, từ tháng 9 đến nay đã có hơn 800 công ty đóng cửa, ngay cả công nhân người bản xứ cũng bị ảnh hưởng.
Muốn biết chính xác có bao nhiêu công nhân Việt Nam tại Đài Loan bị sa thải là một chuyện rất khó, nhưng theo lời Linh mục Nguyễn Văn Hùng thì trong thời gian gần đây, văn phòng của cha nhận được rất nhiều cú điện thoại cầu cứu.
Cha Hùng, như quí vị đã biết, là người đứng đầu Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, là nơi mà các công nhân và cô dâu Việt Nam hay tìm đến, mỗi khi gặp khó khăn. Những người này phải tìm đến văn phòng của cha Hùng vì hầu hết họ đã không được giúp đỡ tận tình khi liên hệ với các cán bộ của sứ quán Việt Nam.
Đối với các công nhân bị sa thải thì văn phòng của cha Hùng có thể giúp được những gì?
Cha Hùng: “Nếu công nhân điện thoại đến văn phòng để xin tư vấn hoặc giúp đỡ, chúng tôi hướng dẫn họ phương pháp đòi hỏi sự công bằng. Những trường hợp nghiêm trọng thì chúng tôi yêu cầu chính phủ Đài Loan cho phép họ tạm trú tại văn phòng để chúng tôi giúp đỡ họ. Ví dụ cách đây một tuần có 3 anh từ Kiên Giang qua đây, mỗi người phải trả 7.200 Mỹ kim, nhưng khi qua tới bên này, chủ không nhận họ, và công ty môi giới nói họ đưa lộn người; sau đó họ đưa 3 anh này ra sân bay để gửi trả về Việt Nam mà không nói gì về vấn đề bồi thường cả. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy chúng tôi xin bộ Lao động Đài Loan cho phép họ được tam trú tại văn phòng, và sau khi họ tạm trú, chúng tôi tư vấn hoặc giúp đỡ họ đòi hỏi sự công bằng.
Trường hợp thứ 2, những công nhân bị sa thải nhưng vẫn muốn được ở lại Đài Loan để tiếp tục được đổi chủ, sau khi chính phủ Đài Loan cho phép họ được ở lại để đổi chủ trong 2 tháng, thì nếu trong tháng đầu họ vẫn chưa có chủ nhận, họ đến văn phòng thì văn phòng làm văn thư để xin chính phủ cho họ ở lại thêm một lần 2 tháng nữa, là 4 tháng.
Còn trường hợp mà họ chỉ gọi điện thoại đến văn phòng thì chúng tôi tư vấn cho họ là lấy số tiền môi giới, trừ tiền vé máy bay từ Việt Nam qua Đài Loan, rồi chia đều cho 24 tháng và nhân cho số tháng mà công nhân đã làm, còn lại bao nhiêu thì hoàn trả cho người lao động.
Còn những người không có cơ hội gọi điện thoại cho chúng tôi, họ bị trả về nước, thì chúng tôi được biết khi đi, họ đã trả ở Việt Nam bảy tám ngàn đô la; và khi bị trả về như vậy, mỗi người chỉ được bồi thường từ 1.200 đến 2.000 Mỹ kim mà thôi.”
Điều đáng buồn là mặc dù tình hình kinh tế Đài Loan có khó khăn, nhiều công ty đóng cửa, sa thải công nhân; các công ty môi giới bên Việt Nam vẫn tiếp tục nhận công nhân để làm thủ tục cho họ đi Đài Loan.
Theo chỗ chúng tôi được biết, sứ quán Việt Nam tại Đài Loan đã có yêu cầu Bộ Xã hội, Lao động và Thương binh tạm ngưng gửi công nhân sang Đài Loan, nhưng dường như bộ này trả lời rằng công nhân là người có quyền quyết định sau cùng.
Về điểm này, cha Hùng cho biết: “Tôi nghĩ rằng quyền quyết định của người công nhân là đúng, nhưng chính phủ Việt Nam là người biết chuyện này rất rõ thì chính phủ ngoài chuyện khuyên bảo ra, tôi nghĩ chính phủ cũng cần có chính sách để hạn chế việc đưa người sang Đài Loan trong lúc kinh tế xứ này đang suy thoái. Chính phủ không thể lấy lý do về quyền đi làm của người công nhân để rồi họ tiếp tục bị bóc lột bởi các công ty môi giới. Tôi nghĩ điều đó trái với đạo đức và lương tâm.”
Theo lời Linh mục Nguyễn Văn Hùng thì giải pháp tương đối tốt hiện nay là: “Đối với anh chị em công nhân Việt Nam đã lỡ học trong các trung tâm để được đưa qua Đài Loan, xin gia đình khuyên bảo các anh chị tạm thời không qua Đài Loan lúc này. Lời khuyên này cũng gây khó khăn cho các anh chị, bởi vì các công ty môi giới đã nhận tiền của các anh chị rồi, nếu anh chị không đi, anh chị có thể bị mất số tiền đó; đã lỡ phóng lao thì phải theo lao thôi. Nhưng nếu anh chị tiếp tục qua đây, tình trang kinh tế suy thoái của Đài Loan rất nghiêm trọng, qua đây anh chị cũng không có việc và sự mất mát của anh chị còn nhiều hơn.
Riêng đối với chính phủ Việt Nam, chúng tôi mong chính phủ có chỉ thị cho các công ty môi giới Việt Nam phải nói rõ tình hình kinh tế suy thoái của Đài Loan cho người công nhân. Thứ hai, chính phủ cũng có quyền không cho phép các công ty môi giới tuyển dụng công nhân trong lúc này. Thứ ba, trong trường hợp các công nhân vẫn được tuyển và vẫn được tiếp tục qua bên đây mà không có việc thì tôi nghĩ chính phủ Việt Nam phải có chính sách để yêu cầu các công ty môi giới hoàn lại số tiền mà người công nhân phải trả ở Việt Nam.”
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số công nhân bị sa thải, và đang nhờ văn phòng của cha Hùng giúp đỡ. Để họ tránh gặp vấn đề sau khi về lại Việt Nam, chúng tôi không dùng tên thật của họ ở đây.
Trước tiên là chị Phan Thị Nhàn: 20 tuổi, quê ở Bắc Giang, đã đóng cho công ty môi giới Sông Hồng 7.000 đôla, chị mới gửi về giúp gia đình được 1.000 đôla thì bị sa thải.
Chị Nhàn cho biết: “Em sang ngày 12 tháng 2 năm 2008. Sang được 3 tháng đầu thì công việc ổn định, làm hết tháng. Nhưng đến tháng thứ tư thì làm 15 ngày nghỉ 15 ngày. Em đang nhờ văn phòng cha Hùng làm công văn cho em gia hạn đổi chủ. Môi giới nói cho em về nước nhưng không nói gì đến vấn đề bồi thường. Em nhờ văn phòng cha xin cho em giấy đổi chủ lần thứ hai, nhưng em cũng đã hết hạn lần thứ hai rồi, đành phải về nước thôi. Em đang nhờ văn phòng xem có thể nào cho em xin lại một phần nào tiền đóng cho môi giới không, vì mình đi tốn quá nhiều tiền mà sang đây mới có 5 tháng đã đổi chủ rồi.”
Anh Nguyễn Văn Tâm, 28 tuổi, người Hải Dương, đến Đài Loan tháng 3 năm ngoái; đóng 6.800 đôla cho môi giới.
Anh Tâm nói: “Đi sang đây mấy tháng đầu đâu có việc đâu. Tiền sang đây toàn đi vay thôi, còn tiền làm ra ở đây chẳng đáng bao nhiêu, chỉ trả lãi thôi. Đâm ra bây giờ vẫn còn nợ hằng mấy ngàn đô nữa.”
Chị Nguyễn Thị Thanh, 29 tuổi, quê ở Bắc Giang, mượn bà con 4 sổ bìa đất để vay ngân hàng. Chị mong được tiếp tục ở lại Đài Loan để kiếm việc khác, giúp chị có tiền trả nợ cho bên nhà.
Chị Thanh cho biết: “Môi giới của cháu họ nói họ dứt khoát sẽ tìm đủ mọi cách để cho cháu về nước chứ không cho cháu ở lại để đổi chủ. Họ không nói lý do gì mà chỉ nói tìm đủ mọi cách để cho cháu về nước. Họ nói nếu cháu đồng ý đi về thì họ sẽ lo giấy tờ cho cháu quay lại tiếp. Cháu hoảng sợ qua, thế thì đêm ấy bạn bè cháu điện về cho cháu, bảo cháu không được về. Họ cho cháu số điện thoại của cha Hùng, cháu gọi cha thì cha bảo cháu về văn phòng. Về đây cháu được cha nuôi cơm ngày ba bữa, sinh hoat, nghỉ ngơi. Cháu sang đây nhờ mượn 4 sổ bìa đất của gia đình, mẹ cháu một sổ, chú cháu một sổ, bác cháu với cô cháu một sổ để vay lãi ngân hàng. Bây giờ sang đây họ cũng không cho cháu đi làm dù có chủ nhận. Ý muốn của cháu là vì bây giờ không đi làm, ở đây cũng lâu rồi, có cách nào nhanh chóng có chủ nhận để đi làm, cháu kiếm tiền để gửi về trả nợ.”
Và sau cùng là Anh Phạm Thành Huy: 20 tuổi, đi từ Kiên Giang, đóng cho công ty môi giới 7.200 đôla, đến Đài Loan chưa đầy một tháng.
Anh Huy nói: “Nếu cho phép con nhắn gởi với mấy bạn bên Việt Nam thì xin nhắn như thế này: Mấy bạn ơi, có muốn sang bên Đài Loan này thì hãy cẩn thận, suy tính cho nó kỹ. bởi vì bên Đài Loan thì mấy bạn cũng biết rồi đó; kinh tế Đài Loan cấp này xuống cấp một cách trầm trọng. Đừng giống như mình. Mình đã lỡ leo lên lưng cọp rồi thì phải sải thôi. Nếu mà mấy bạn đăng ký chưa tới đâu hết thì thôi, mấy bạn cứ ở Việt Nam kiếm việc làm cho nó chắc ăn.”
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1