Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho hay một loạt đàm phán quan yếu tại Bắc Kinh về vấn đề chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc triều tiên không diễn tiến theo chiều hướng đúng. Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ mất những lợi lộc đã được các quốc gia tham dự hảo luận đã hứa, nếu các cuộc thảo luận về vấn đề kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của nước này vẫn bế tắc. Thông tín viên David Gollust của đài VOA tường thuật từ Bộ Ngoại Giao về vấn đề này như sau.
Các giới chức Bộ Ngoại Giao tại Washington có cùng lượng định bi quan giống như trưởng đoàn thương thuyết Hoa Kỳ Christopher Hill, về các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh, và nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng Bắc Triều Tiên sẽ không thể được thế giới đón nhận với thái độ cởi mở về chính trị và kinh tế nếu như tiến trình thảo luận tan vỡ.
Các trưởng đoàn đàm phán của các nước tại các cuộc thảo luận do Trung Quốc bảo trợ, về vấn để giải trừ vũ khí hạt nhân đã họp với nhau sang đến ngày thứ ba tại Bắc Kinh để thảo luận nghị định thư về vấn đề kiểm chứng những khai báo mà Bắc Triều Tiên đưa ra vào tháng sáu. Nhưng Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Christopher Hill nói rằng chưa đạt được một tiến bộ gì.
Một thỏa thuận về vấn đề kiểm chứng là điều cần thiết nếu muốn thực thi hiệp định. Theo đòi hỏi thì Bắc Triều tiên phải dẹp bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ và các lợi ích ngoại giao.
Điểm gai góc chính ở đây là liệu các thanh sát viên có được cho phép lấy mẫu từ các địa điểm hạt nhân của Bắc Triều Tiên để chứng minh rằng Bình Nhưỡng đã thực sự vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của họ.
Hoa Kỳ nói rằng Bình Nhưỡng đã đồng ý cho lấy mẫu đem thử nghiệm, ít nhất là qua lời cam kết với các thương thuyết gia Hoa Kỳ, và rằng việc lấy mẫu phải là một phần của nghị định thư. Bình Nhưỡng phủ nhận đã đồng ý cho lấy mẫu thử, và tranh cãi rằng làm như vậy sẽ vi phạm chủ quyền của Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, ông Sean McCormack qui lỗi thẳng cho Bắc Triều tiên đã gây nên tình trạng bế tắc tại Bắc Kinh.
Ông McCormack nói: “Bình Nhưỡng có một lề lối xử sự riêng không giống ai. Chúng tôi sẽ không sử dụng lề lối của họ. Chúng tôi biết là đã đồng ý với họ về điều gì. Chúng tôi đã ghi trên giấy trắng mực đen. Chúng tôi hiểu rõ về điều đó. Những quốc gia khác trong các cuộc thảo luận cũng hiểu như chúng tôi. Và chúng tôi chờ xem là Bắc Triều Tiên sẽ có tiến hành bước cuối cùng hay không. Nếu họ không xúc tiến thì có lẽ các nước phải chọn một con đường khác.”
Bắc Triều Tiên đã cho ngưng hoạt động một phần các cơ sở hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ năng lượng trong giai đoạn đầu của thỏa thuận sáu bên.
Kế hoạch kiếm chứng sẽ mở đường cho giai đoạn cuối của thỏa thuận mà theo đó Bình Nhưỡng sẽ vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của họ để được công nhận rộng rãi hơn về ngoại giao, được bảo đảm an ninh và được hưởng lợi trong việc trao đổi mậu dịch.
Người phát ngôn McCormack nói rằng tình trạng bế tắt trong tiến trình kiểm chứng gợi ý rằng mặc dù Bắc Triều Tiên đã tiến hành một số bước trong việc tháo gỡ các chương trình hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn chưa tiến đến một "quyết định chiến lược" về giải trừ hạt nhân.
Ông cho biết theo kế hoạch, Đặc sứ Hill của Hoa Kỳ sẽ rời Bắc Kinh trong ngày thứ năm, mặc dù ông Hill có thể lưu lại lâu hơn nữa nếu có những cuộc thảo luận bổ ích.
Các bên tham dự đàm phán ngoài Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và nước chủ nhà Trung Quốc, còn có Nam Triều Tiên, Nga, và Nhật Bản.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1