Theo tin cho biết, hai trong ba công ty lớn của Hoa Kỳ sẽ bị sụp đổ tài chính, trong khi tại Washington, giới lãnh đạo vẫn chưa thỏa thuận được về biện pháp cứu nguy để giúp cho các công ty này tránh khỏi phá sản. Thượng viện đã bác bỏ biện pháp cung cấp tiền trợ giúp khẩn cấp cho các công ty sản xuất xe hơi lớn tại Hoa Kỳ.
Trên nguyên tắc thì mọi người đều đồng ý về ý tưởng căn bản của việc trợ giúp của liên bang cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đang gặp khó khăn lớn. Các công ty xe hơi, công đoàn của các công nhân thuộc các hãng kể trên, chính quyền của tổng thống Bush và giới lãnh đạo của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng Hòa tại quốc hội đều đã ủng hộ cho ý tưởng là chính phủ phải cho các công ty này vay tiền để đổi lấy việc các công ty đưa ra những biện pháp cụ thể đáng kể để tái cấu trúc các công ty xe hơi hầu có thể cạnh tranh nhiều hơn.
Nhưng khi đi vào chi tiết thì không đạt được thỏa thuận. Những phe phái liên hệ đã chia rẽ sâu đậm với nhau về nhiều lãnh vực như: áp dụng các biện pháp gì để giúp các công ty đứng vững được về tài chính, những đòi hỏi hy sinh từ phía các công nhân, và chính phủ liên bang sẽ tài trợ cho các công ty này như thế nào.
Các thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng Hòa đã đòi ngành công nghiệp xe hơi, công đoàn và các ngân hàng tài trợ cho các công ty này phải đưa ra những nhượng bộ lớn nhất.
Thượng nghị sỹ Bob Corker đại diện bang Tennessee cho biết ông và các thượng nghị sỹ Cộng Hòa khác đã bỏ phiếu chống dự luật hồi tuần qua sau khi công đoàn của các công ty này bác những đòi hỏi nhượng bộ lớn về lương bổng và quyền lợi của công nhân như là một điều kiện để chính phủ tài trợ cứu nguy.
Lên tiếng trên đài truyền hình CBS, thượng nghị sỹ Corker bác bỏ mọi gợi ý cho rằng các thành viên đảng Cộng Hòa đã gây cản trở cho dự luật cứu nguy khẩn cấp cho các công ty xe hơi lớn của Hoa Kỳ.
Thượng nghị sỹ Corker nói rằng đây không phải là chuyện ngăn chặn việc thông qua dự luật. Đây là vấn đề làm sao tìm ra giải pháp hữu hiệu để thực sự đưa các công ty này vào vị thế tiến bộ theo một cách thế lành mạnh. Nhưng nếu không có được tất cả những hy sinh chung thì điều đó sẽ không xảy ra.
Thượng nghị sỹ Corker nói thêm rằng các giới chức đứng đầu công đoàn xe hơi Mỹ thấy rằng họ chẳng cần phải đồng ý trước đòi hỏi buộc họ đưa ra một loạt nhượng bộ mới vì Tòa Bạch Ốc đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng trợ giúp tài chính cho các công ty sản xuất xe hơi,và chính quyền của Tổng thống Bush có thể vượt qua quyền của quốc hội để sử dụng một phần trong số tiền 700 tỉ đô la dành để cứu nguy kinh tế.
Trong nhiều tuần lễ, Tòa Bạch Ốc đã tỏ ra miễn cưỡng không muốn sử dụng đến các ngân khoản được quốc hội chấp thuận hồi tháng 10 dành cứu nguy cho các định chế tài chính Mỹ để trợ giúp cho các công ty xe hơi Hoa Kỳ. Nhưng Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ duyệt xét lại ý kiến này sau khi Thượng viện bác kế hoạch trợ giúp cho ngành công nghiệp xe hơi, lẽ ra sẽ cung ứng 14 tỉ đô la tiền cho vay để cho các công ty sống sót trong lúc thiết lập một ủy ban giám sát hầu giúp dẫn dắt ngành công nghiệp này trỗi dậy.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết đang duyệt xét các dữ liệu tài chính về các công ty xe hơi trong lúc cứu xét các chiều hướng hành động.
Về phần các công ty này, nghiệp đoàn công nhân xe hơi lớn nhất đã đưa ra một vài nhượng bộ, nhưng người ta không rõ là trong dài hạn, những nhượng bộ đó có đủ để giúp các công ty xe hơi làm ăn có lời hay không.
Tất cả đại công ty xe hơi Mỹ đều đặt bản doanh tại bang Michigan, nơi mà các đại biểu cho biết thời giờ đã quá cấp bách không thể cứu vãn ngành công nghiệp này được nữa, một ngành mà các dân biểu mô tả là xương sống của khu vực công nghiệp chế tạo của Hoa Kỳ đang co cụm.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Carl Levin, đại diện bang Michigan cũng lên tiếng trong cùng một chương trình của đài truyền hình CBS rằng không một quốc gia nào khác sản xuất xe hơi lại để cho ngành công nghiệp này của họ sụp đổ. Họ có cùng những kho khăn như Hoa Kỳ. Tất cả đều đang cung cấp tài chính cho các ngành công nghiệp xe hơi của họ. Đây không phải là một khó khăn chỉ có nước Mỹ mới có.
Được biết trong khi đó tại Anh, các giới chức nghiệp đoàn lao động đang hối thúc chính phủ đổ tiền vào ngành công nghiệp xe hơi để bảo đảm là ngành này sẽ sống còn qua khỏi cơn suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1