Đường dẫn truy cập

'Hiến chương 08': Tín hiệu hy vọng cho dân chủ Trung Quốc


Cũng giống như chính phủ của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, chính phủ Trung Quốc đang ra sức chèo chống để đưa đất nước vượt qua cơn sóng gió của vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải hồi gần đây còn phải đương đầu với một vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng phát sinh từ Hiến Chương 08 – một yêu cầu thay đổi dân chủ mà các nhà trí thức và văn nghệ sĩ Trung Quốc công bố hồi đầu tháng này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Một số nhà quan sát cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lo ngại về việc sẽ gặp phải thất bại trong cuộc tranh luận về cách thức tốt nhất để cai trị đất nước, đặc biệt là trong lúc giới công nhân và nông dân đang bất mãn vì tình hình khó khăn kinh tế. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái thực hiện sau đây.

Tại một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ ba vừa qua, phát ngôn viên Tần Cương đã trả lời như sau, sau khi bị chất vấn liên tục về vụ bắt giữ ông Lưu Hiểu Ba, một nhà văn nổi tiếng đã xướng xuất việc công bố Hiến Chương 08 để đòi giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành cải cách dân chủ.

"Thứ nhất, tôi không nắm rõ tình hình của vụ việc này. Thứ hai, Trung Quốc sẽ dựa vào pháp luật để xử lý vụ này. Và thứ ba, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ mưu toan nào nhằm lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc," ông Tần Cương nói.

Ông Tần Cương đã lập lại những luận điệu cố hữu của giới hữu trách Bắc Kinh sau khi hơn 150 học giả, nhà văn và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế gởi thư công khai cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đòi trả tự do ngay tức khắc cho ông Lưu Hiểu Ba – là người đã bị bắt hồi đầu tháng này trong lúc chuẩn bị công bố Hiến Chương 08, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Ông Trương Tổ Hoa, một học giả về hiến pháp ở Bắc Kinh, là một trong những người tham gia việc soạn thảo Hiến Chương 08. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, giáo sư Trương nói rằng ông đã phải trải qua một vụ khám xét không khác gì những vụ phá nhà khét tiếng mà Hồng Vệ Binh đã từng thực hiện dưới thời Cách mạng Văn hóa trong những năm của thập niên 1960. Ông cho biết công an chẳng những đã tịch thu sách vở, tài liệu và máy vi tính của ông mà còn lấy đi khoản tiền mà vợ ông và cha mẹ vợ ông đã dành dụm cả đời. Mặc dù vậy, nhà trí thức trẻ này đã có thái độ điềm nhiên trước sự đàn áp và cho biết như sau về lý do khiến ông tham gia cuộc vận động này.

Ông Trương nói: "Trung Quốc đã có hiến pháp từ 100 năm trước, nhưng trên phương diện văn minh chính trị thì cho tới nay chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, không hề có tiến bộ nào có thực chất. Điều này khiến cho tôi, với tư cách là một phần tử trí thức, cảm thấy buồn bã và hổ thẹn. Vì vậy, chúng tôi có bổn phận phải đưa một lời đề nghị có tính chất xây dựng."

Giáo sư Hạ Nghiệp Lương, một nhà kinh tế học của Đại học Bắc Kinh, là một trong 303 trí thức, văn nghệ sĩ đã ký tên vào Hiến Chương 08 trong đợt ký tên đầu tiên.

Ông Hạ cho biết về sự đối đãi của nhà chức trách: "Có một số người bị cảnh sát trực tiếp thẩm vấn. Riêng tôi, cảnh sát không hề tới tìm tôi. Nhưng giới lãnh đạo trường có mời tôi lên nói chuyện. Thái độ của họ khá lịch sự, hoà nhã. Họ nói rằng họ chỉ muốn biết sơ qua là tình hình như thế nào mà thôi."

Giáo sư Hạ Nghiệp Lương nói thêm rằng: tuy có thái độ hòa nhã như thế, lãnh đạo Đại học Bắc Kinh cũng nói rất rõ là ông sẽ phải nhận lãnh những hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục tham gia cuộc vận động dân chủ này.

Giáo sư Ngãi Hiểu Minh của Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu cũng là một trong những người ký tên vào Hiến Chương 08. Bà nói rằng sự trấn áp của giới hữu trách là vô lý, vì những gì mà hiến chương này nêu lên đều đã được hiến pháp Trung Quốc thừa nhận và được chính phủ cam kết thực hiện.

Bà Ngãi nói thêm: "Tôi tin rằng trên thực tế thì những người như tôi, như các giáo sư Hạ Nghiệp Lương, Thôi Vệ Bình, Từ Hữu Ngư, và rất nhiều chuyên gia học giả khác, chúng tôi không hề có quyền hạn gì đối với vận mệnh kinh tế của đất nước. Chúng tôi không kiểm soát được nguồn lực kinh tế nào, ngoại trừ số tiền lương ít ỏi của mình. Chúng tôi chỉ bày tỏ một số ý kiến mà thôi chứ làm sao có thể gây nguy hại gì cho đất nước!"

Một nhà văn ở Bắc Kinh tham gia Hiến Chương 08, ông Dư Kiệt, cho biết như sau về sự sách nhiễu, đe dọa của nhà cầm quyền.

Ông Dư nói: "Hôm thứ hai vừa rồi, một viên chức của đại đội bảo vệ an ninh quốc gia ở khu Triều Dương có mời tôi lên 'làm việc'. Ông ấy tra hỏi tôi rất cặn kẽ về những sự việc liên quan tới Hiến chương 08. Ông ấy hỏi tôi đã ký tên vào hiến chương này như thế nào."

Nhà văn Dư Kiệt nói thêm rằng: có một điều ngược ngạo là viên chức an ninh hỏi cung ông không hề đọc qua Hiến Chương 08 và 19 yêu cầu cải cách mà văn kiện này đưa ra. Lý do là vì nhà chức trách đã nhanh chóng ngăn chận việc truy cập những thông tin liên quan tới bản hiến chương này.

Mặc dầu có sự ngăn chận như thế, tiểu tổ phụ trách việc ký tên của phong trào Hiến Chương 08 cho biết rằng tính đến ngày 22 tháng 12 đã có hơn 6,000 người ký tên tham gia, trong đó có rất nhiều người là những học giả, chuyên gia nổi tiếng và những nhân vật có uy tín trong xã hội.

Giáo sư Vương Di của Đại học Thành Đô ở Tứ Xuyên cho biết sự phổ cập của Hiến Chương 08 đang tạo ra một áp lực lớn mà chính phủ Trung Quốc không thể né tránh.

Ông Vương nói thêm: "Chúng tôi công bố hiến chương này vì đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể nói rõ là kế hoạch cải cách của họ sẽ đưa đất nước đi tới đâu. Lâu nay trong dân chúng đã có nhiều người nói tới vấn đề cải cách dân chủ, nhưng chưa có một sự trình bày hoàn chỉnh. Giờ đây, sau khi Hiến chương 08 ra đời, mọi người đã có được một khái niệm rất rõ ràng về con đường cho tương lai của Trung Quốc. Đây là một cuộc vận động trong dân chúng và hiến chương này mang lại sự đồng thuận và là chất keo nối kết mọi người với nhau."

Trong khi đó, một bài bình luận của tờ Chritian Science Monitor, số ra ngày 26 tháng 12, cho biết rằng sự ngần ngại của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc đàn áp phong trào Hiến chương 08 đã gởi đi một tín hiệu của hy vọng. Báo này nhận định rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể đang lo ngại về việc sẽ gặp phải thất bại trong cuộc tranh luận có tính chất cốt lõi với người dân về phương cách tốt nhất để cai trị đất nước, đặc biệt là trong lúc sự bất mãn của công nhân và nông dân đang gia tăng trong khi kinh tế đang xuống dốc. Theo tờ Chritian Science Monitor, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã quyết định làm ngơ trước sự bày tỏ ý kiến bất đồng một cách công khai của một khối người nhất trí với nhau và được trọng vọng này, thay vì áp dụng biện pháp đàn áp mạnh tay để làm cho ý kiến của khối người này được mọi người chú ý nhiều hơn.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG