Với mục đích giúp mọi người tìm hiểu về các chứng bệnh tâm thần, chúng tôi sẽ đem đến quí vị loạt bài nói về những chứng bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm và hưng trầm cảm, những thể bệnh tâm thần thường gặp. Người đem đến cho quí vị những thông tin trong loạt bài này là Bác sĩ Lê Phương Thúy, chuyên khoa về bệnh tâm thần, được đào tạo tại St. Mary Hospital and Medical Center, San Francisco, hiện đang hành nghề ở San Jose, bang California. Hôm nay, chúng tôi sẽ đi vào câu chuyện với bệnh tâm thần phân liệt, một chứng bệnh mà chúng ta được nghe nói tới rất nhiều, cũng như một câu hỏi thường đi kèm là chứng bệnh này có chữa khỏi được hay không? Mời quí vị theo dõi câu chuyện với bác sĩ Lê Phương Thúy sau đây.
Chứng tâm thần phân liệt thường bắt đầu phát tác trong lứa tuổi 16,17 đến 25, tức là lứa tuổi đầy sức sống nhất trong đời người, với những biểu hiện được bác sĩ Phương Thúy mô tả như sau.
Bác sĩ Thúy: Mặc dù là cái nhân tố, cái gene di truyền nó đã nằm trong người từ lúc chào đời, nhưng tới cái khoảng tuổi đó nó mới bắt đầu xuất hiện. Xuất hiện như thế nào? Như một cái cây héo dần đi, có nghĩa là nếu em ấy khoảng 15 tuổi, đang học lớp 9, lớp 10, khoảng đó, đang sinh hoạt bình thường, ăn ngủ bình thường thì các phụ huynh than phiền rằng con tôi càng ngày càng sống thu hẹp lại, đi học về chỉ ở trong phòng thôi, không có nói chuyện với ai, nhiều khi còn ngồi nói chuyện một mình nữa, điểm hạng bất đầu sút giảm, không còn tha thiết gì đến việc học, không tập trung được nữa. Đó là về phương diện trí thức. Còn về phương diện cư xử giao thiệp thì càng ngày càng xa cách bạn bè không muốn giao thiệp với ai, đầu tiên là cha m và những người trong gia đình, rồi sau đó ngay cả những sinh hoạt của một em trong lứa tuổi từ 15 cho tới 25, lứa tuổi mà bình thường đầy nhựa sống, tức là xông xáo ra ngoài đời, đi sinh hoạt, nhiều khi còn đòi cha mẹ cho đi party, đi khuya, đi chơi với bạn bè mua sắm, yêu thích âm nhạc, chơi một môn thể thao nào đó, nhưng người bắt đầu bị bệnh tâm thần phân liệt phát tác không còn quan tâm đến những điều đó nữa và cuối cùng một trong những triệu chứng mà các em có thể có là bắt đầu đa nghi, có những dấu hiệu hoang tưởng, nghĩ rằng có người đầu độc mình, có người theo dõi ám hại mình, có em nghĩ rằng mình nói chuyện được với thế giới siêu hình, rồi có thể nghe những tiếng nói, tức là ảo thanh, ảo giác, ảo tưởng. Những tiếng nói không có thật, như là bị xúi giục tự tử hay làm một điều gì đó hại cho chính mình hoặc cho người khác, cuối cùng khi bệnh trở nặng, bệnh nhân không còn ngủ được nữa, không ăn uống, không giữ vệ sinh thân thể nữa, rồi có thể trở thành một hình ảnh mà người Việt Nam chúng ta thường thấy và thường nghĩ đến một khi nói đến bệnh tâm trí là: dơ bẩn, đầu óc bù xù, đi lang thang ngoài đường,nói chuyện lảm nhảm một mình. Nói chung đó là những dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp nhẹ hơn và có những trường hợp rất nặng, điều này thay đổi tùy theo gia đình, khung cảnh xã hội và văn hóa.
Trong gần như tất cả mọi trường hợp, bệnh nhân bệnh tâm thần không bao giờ tự ý xin chữa trị, chính vì vậy mà vai trò của cha mẹ và những trong gia đình vô cùng quan trọng. Thứ nhất thân nhân của bệnh nhân phải đủ tinh tế để nhận biết sớm, thứ nhì, cần phải dỗ dành và có khi cần phải dùng áp lực để đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ. Cho dù bệnh nhân có chịu đến bác sĩ đi chăng nữa, việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần khó khăn ngay từ khởi đầu.
Bác sĩ Phương Thúy giải thích: Buổi gặp đầu tiên là buổi quan trọng nhất. Như tôi vừa thưa, một trong những triệu chứng có thể có của bệnh tâm thần phân liệt là không tin ai hết, nhiều khi còn nghĩ rằng người ngoài tìm cách ám hại mình, chẳng hạn như ăn cơm cũng nghĩ rằng cơm có thuốc độc. Đến gặp bác sĩ tâm trí được bác sĩ cho thuốc uống thì nghĩ rằng đó là thuốc độc. Cho nên rất là khó, buổi gặp đầu tiên với bác sĩ tâm trí rất quan trọng. Nếu bác sĩ được gia đình thông báo từ trước về những triệu chứng thì sẽ biết cách làm cho người bệnh chịu uống thuốc. Cái khó ở đây là làm sao cho người bệnh uống những viên thuốc đầu tiên. Sau khi uống vài ngày thì những triệu chứng như đa nghi thuyên giảm thì một trong những phương pháp trị liệu là làm sao cho bệnh nhân hợp tác với mình mà chịu uống thuốc thì coi như đã đi được từ 50% đến 80% con đường trị bệnh rồi.
Chữa trị bệnh tâm thần, nói chung, và bệnh tâm thần phân liệt nói riêng, bao gồm 3 lãnh vực. Thứ nhất là thuốc men. Trong 5, 10 năm trở lại đây, đã có những khám phá khoa học cho thấy nguyên nhân của bệnh tâm thần là do sự xáo trộn của các chất dẫn truyền thần kinh, thiếu quân bình của các hóa chất trong não bộ. Thuốc men giúp tái lập mức quân bình đó.
Bác sĩ Thúy: Bác sĩ phải cho thuốc uống, tức là cung cấp cho não bộ những chất trong não bộ thiếu, và như vậy những ảo giác, những hoang tưởng, những ảo thanh có thể giảm đi và biến mất thì người bệnh trở lại bình thường, tập trung tư tưởng được, và lúc đó có thể suy nghĩ và lý luận một cách hợp lý, đó là điều đầu tiên. Những triệu chứng này có thể thuyên giảm từ 50% đến 80% và có thể 100% tùy theo từng bệnh nhân và tùy theo từng trường hợp. Cho nên vai trò của thuốc rất là quan trọng.
Ngoài thuốc men, bệnh nhân còn cần phải được trị liệu về tâm lý để thuyết phục bệnh nhân uống thuốc và giúp bệnh nhân phân biệt thực tế với ảo giác, ảo thanh.
Bác sĩ Thúy: Cách trị thuốc tương đối là dễ dàng vì nó rất rõ ràng và đơn giản, một viên thuốc uống vô là xong, nhưng mà cái khó, cái thử thách ở đây là làm sao cho người bệnh chịu uống thuốc. Chính vì vậy mà vấn đề tâm lý rất là quan trọng. Phải có những chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm trí cũng vậy, cần phải hiểu được tâm trạng của bệnh nhân. Muốn hiểu được là phải hiểu từ cái lối suy nghĩ, từ khung cảnh gia đình, bệnh nhân được nuôi dưỡng, lớn lên như thế nào, và hợp tác với gia dình để thiết lập niềm tin, không cần nhiều lắm, chỉ cần tin đủ để bệnh nhân uống thuốc thôi., ít nhất là trong giai đoạn đầu. Dùng những thông cảm về tâm lý để an ủi bệnh nhân. Chẳng hạn như bệnh nhân có những ảo thanh, tiếng nói đe dọa trong óc nói rằng 'em hãy nhảy cầu đi, em hãy tự tử đi, em hãy đánh người đó đi'. Một mặt thuốc sẽ giảm những triệu chứng đó, một mặt tâm lý trị liệu giúp cho người bệnh hiểu được rằng đó là những tiếng nói không có thật, những ý ghĩ không có thật, để giúp cho người bệnh tự chống lại. Nếu nghe tiếng nói bảo rằng hãy tự tử, hãy đánh một người nào đó đi, thì chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho bệnh nhân hiểu rằng 'không phải đâu, đây chỉ là một tiếng nói không có thật, nên mình đừng có làm, đừng thèm nghe những tiếng nói đó'. Đó là phương điện tâm lý trị liệu.
Lãnh vực thứ ba trong việc chữa trị là, trong điều kiện lý tưỏng nhất, tạo môi trường xã hội để nâng đỡ cho bệnh nhân tiếp tục việc học hay công ăn việc làm.
Bác sĩ Thúy: Phần thứ ba nữa là xã hội, hoàn cảnh môi trường rất là quan trọng. Nếu bệnh nhân trong lứa tuổi thanh thiếu niên bị bệnh này thì không thể đi học được. Về phương diện môi trường sẽ có những chuyên gia tâm lý xã hội làm sao để giúp cho em vừa có thể uống thuốc vừa có thể tiếp tục việc học. Điều này rất quan trọng. Cho nên trong trường cũng như là xã hội, chính quyền có những phương cách để, thay đổi cách giáo dục cho các em mắc bệnh vẫn có thể đi học, dù là khi đi học thì ngihĩ rằng ngừi bạn ngồi gần mình sẽ hại mình, hoặc những tiếng động bình thường trong lớp, tiếng nói chuyện hoặc đám đông làm cho các em sợ thì nhà trường có thể uyển chuyển, cho các em ngồi trong phòng có thể chỉ có 2-3 người thôi, ít tiếng động. Chương trình học cũng phải thay đổi. Thay vì người ta học 1 lần 5, 10 lớp thì em ấy có thể học 2,3 lớp thôi tùy theo khả năng chịu đựng của em. Đó là về phương diện học hành. Còn về phương diện làm việc, nếu bệnh nhân lớn tuổi đang đi làm mà vì bệnh này mà không đi làm bình thường được, thì ở sở có thể có những chuyên gia có thể làm việc với sở để tạo một môi trường làm việc như thế nào để cho những người này có thể làm việc được, tuy không bằng những người khác, nhưng với những phương cách giúp đỡ để đi làm, hoặc nếu bệnh nhân đã mất việc thì cũng có những phương cách mà xã hội có thể giúp đỡ để cho người này có thể tự lo lắng cho chính mình được.
Theo bác sĩ Phương Thúy, thuốc chữa bệnh tâm thần có nhiều phản ứng phụ, hầu hết những phản ứng này thường gây khó chịu cho người bệnh như khô miệng, ăn nhiều, ngủ nhiều, lên cân, có khi lại mất ngủ, cứng tay chân, nhưng những triệu chứng này, theo bác sĩ Phương Thúy, sẽ qua đi sau một thời gian cơ thể làm quen với thuốc. Thuốc trị bệnh tâm thần không hề gây nghiện, tuy nhiên, cũng giống như nhiều chứng bệnh thể chất như máu cao, tiểu đường, bệnh nhân phải dùng thuốc trong một thời gian nhiều năm, có khi suốt đời, với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Vậy có hy vọng là bệnh nhân được trị liệu sẽ dứt bệnh hay chăng?
Bác sĩ Thúy: Có thể tôi là một người lạc quan, tôi cho rằng 70%, 80% bệnh tâm trí có thể trị dứt hẳn. Dứt là dứt như thế nào? Theo tôi định nghĩa, hết bệnh và khỏi bệnh có nghĩa là mình trở lại với đời sống bình thường. Lấy thí dụ, một năm turóc mình là một sinh viên y khoa, một bác sĩ hay một kỹ sư mà vì bệnh tâm trí mà trong năm đó không tập trung tư tưởng được, không đi làm được, thì với sự điều trị ngừơi này có thể khỏi hẳn bệnh. Khỏi hẳn có nghĩa là trở lại với sinh hoạt bình thường, ngày xưa làm gì thì bây giờ làm như thế, lo chu toàn bổn phận của một người chồng, một người vợ, một người con trong gia đình thì đó là định nghĩa về hết bệnh của tôi. Và tôi cho rằng nhiều người đồng ý như vậy. Tuy nhiên, người này có thể vẫn phải tiếp tục uống thuốc, tiếp tục những chương trình trị liệu. Nếu qúi vị so sánh với bệnh cao máu hạy bệnh tiểu đường chẳng hạn thì chúng ta vẫn phải uống thuốc dài dài thôi, miễn rằng thuốc đó giúp cho chúng ta kiểm sóat được những triệu chứng và vẫn sinh hoạt bình thường thì tôi quan niệm rằng không phải cứ phải ngừng thuốc mới gọi là dứt bệnh, tôi cho rằng ăn thua là cái chức năng của mình trở lại với nếp sống bình thường thì đó là dứt bệnh.
Quí vị vừa theo dõi bác sĩ Lê Phương Thúy trình bày về chứng tâm thần phân liệt, trong kỳ tới chúng tôi sẽ gửi đến quí thính giả bài nói chuyện của bác sĩ Phương Thúy về chứng Trầm cảm.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1