Đường dẫn truy cập

G20 thảo luận về vấn đề kinh tế 


Lãnh đạo của 20 nước hàng đầu trên thế giới và các nước có nền kinh tế đang phát triển tề tựu ở Pittsburgh để tìm cách chống lại tình trạng suy thoái kinh tế và kềm giữ không để các khó khăn kinh tế bộc phát trở lại. Thông tín viên đài VOA, Jim Randle tường trình rằng ngoài các phiên họp kéo dài suốt ngày, Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ đưa ra một thông báo sáng nay tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế này.

Theo dự kiến, hôm nay các vị Tổng thống, Thủ tướng và các vị nguyên thủ quốc gia khác, sẽ mở các phiên họp để tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế đã đẩy thế giới vào tình trạng suy thoái.

Các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ thay đổi các luật lệ định và tập tục để tránh một sự xuống dốc như thế trong tương lai.

Trước khi cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu đã sự tranh luận khá công khai về số tiền thưởng dành cho các giám đốc ngân hàng và các nỗ lực giới hạn số tiền này. Các giới chức Pháp và Đức nói rằng chế độ tưởng thưởng này khuyến khích những sự mạo hiểm bừa bãi đe dọa dến hệ thống tài chính. Liên hiệp Âu châu muốn đề ra những luật lệ mới giới hạn những vụ trả tiền thưởng như vậy.

Các giới chức Hoa Kỳ hối thúc đòi có các luật lệ yêu cầu các ngân hàng phải tích lũy số tiền dự trữ lớn hơn để đối phó với những món nợ xấu.

Bộ trưởng tài chánh Mỹ Timothy Geithner cho biết các nhà lãnh đạo sắp đạt được sự đồng thuận và cần phải hành động nhanh chóng.

Ông Geithner nói: “Chúng tôi không muốn thấy những cải cách sẽ có hiệu quả trong hai năm nữa. Chúng tôi cũng không muốn những cải cách đó có kết quả vào năm tới. Chúng tôi muốn công cuộc cải cách phải có hiệu quả ngay bây giờ để chúng tác độïng đến tiến trình cải tổ ngay ngày hôm nay chứ không phải ngày mai.”

Bộ trưởng Geithner nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, nhưng theo ông các nước vẫn cần có những thay đổi quan trọng, kể cả Hoa Kỳ.

Ông Geithner nói tiếp: “Từ lâu lắm rồi, người dân Mỹ mua sắm quá nhiều và tiết kiệm quá ít. Đó không còn là một sự lựa chọn cho chúng ta, hay cho phần còn lại trên thế giới này nữa.”

Ông Geithner lập luận rằng các nước xuất khẩu chính không còn trông đợi Hoa kỳ là một cỗ máy kéo nền kinh tế của họ ra khỏi tình trạng suy thoái. Ông nói rằng giới tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm việc chi tiêu. Điều đó có thể mang ý nghĩa là các nước chuyên xuất khẩu sẽ phải đẩy mạnh nhu cầu ngay trong chính nước họ để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị cũng thảo luận về việc khi nào, và làm cách nào để giảm bớt các nỗ lực việc kích hoạt kinh tế và mở rộng vai trò của các nước đang phát triển trong các quyết định về kinh tế có ảnh hưởng đến thế giới.

Vào lúc các nhà lãnh đạo tụ họp ở Pittsburgh thì những người phản đối cũng tụ tập ở đó, đòi thực hiện thêm các nỗ lực chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và lên án các nước G-20 là hành động quá ít trong việc giúp đỡ người nghèo.

Những người biểu tình bị ngăn không cho đến gần địa điểm diễn ra cuộc họp bởi nhiều ngàn cảnh sát viên, máy bay trực thăng, tàu thuyền và những rào cản cao.

Đôi khi họ còn bị ném lựu đạn cay nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG