Đường dẫn truy cập

Tổ chức nhân quyền chỉ trích VN bác bỏ khuyến nghị của LHQ


Thứ sáu vừa qua, trong lúc báo chí nhà nước Việt Nam tán dương việc Ủy hội Nhân quyền Liên hiệp quốc thông qua Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích việc giới hữu trách Hà Nội bác bỏ các khuyến nghị về nhân quyền của Liên hiệp quốc. Tổ chức Human Rights Watch và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền nói rằng Việt Nam đã bác bỏ 45 khuyến nghị của các nước thành viên, kể cả những khuyến nghị nhẹ nhàng nhất dựa trên những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, chẳng hạn như để cho dân chúng được cổ xúy cho nhân quyền hoặc bày tỏ ý kiến của mình. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với ông Võ Văn Ái, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, và được ông cho biết một số chi tiết như sau về cuộc họp kết thúc ở Geneve hôm 24 tháng 9:

VOA: Xin ông cho biết sơ qua về phiên họp kết thúc cuộc kiểm điểm về Việt Nam của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong khuôn khổ của cơ chế Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review / UPR).

Võ Văn Ái: Phiên họp này diễn ra ngày 24 tháng 9 và kéo dài 1 giờ đồng hồ. Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trình bày trong vòng 20 phút và thời giờ còn lại dành cho những lời phát biểu của 12 phái đoàn chính phủ và 9 tổ chức phi chính phủ. Số phái đoàn ghi tên phát biểu rất đông, nhưng vì thời giờ có hạn nên những phái đoàn không thể phát biểu tại hội trường đã nộp bản tham luận của mình. Đó là trường hợp xảy ra với Hoa kỳ. Tại phiên họp này Việt Nam đã qua lọt - phần lớn nhờ sự ủng hộ của những nước bè bạn, nếu không muốn nói là gà nhà, như Lào, Miến điện, Cam Bốt, Algerie, Trung quốc, Cuba, Nga, Venezuela, Bắc Triều Tiên, Yemen, vân vân à Có một điều đáng chú ý là ông Phạm Bình Minh vẫn đề cao “ngoại lệ nhân quyền Châu Á”. Đây là một khái niệm đã lỗi thời. Trong khi nhấn mạnh tới quan điểm của Việt Nam là vẫn ủng hộ nhân quyền phổ quát, ông cũng nói rằng việc thực hiện cần phải phù hợp với điều kiện đặc thù về văn hóa, lịch sử của xã hội Việt Nam.

VOA: Phiên họp này có sự tham dự lần đầu tiên của Hoa kỳ. Ông có nhận xét như thế nào về việc này?

Võ Văn Ái: Chúng tôi thấy đây là một sự việc quan trọng vì trong những năm qua Hoa kỳ đã vắng mặt trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Vừa qua Hoa kỳ đã được bầu vào Hội đồng gồm 47 nước thành viên này. Bài tham luận mà Hoa kỳ đệ nạp rất là quan trọng, một mặt vì Hoa kỳ lên tiếng về vấn đề nhân quyền và mặt khác Hoa kỳ đặt rất nặng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Tôi xin trích phát biểu của Hoa kỳ “Hoa kỳ biểu tỏ mối quan tâm trầm trọng về cảnh ngộ khốn khó của những tù nhân vì lương thức tại Việt Nam và hậu thuẫn mạnh mẽ cho khuyến cáo là Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho những người này để họ có thể hội nhập vào trong đời sống cộng đồng mà không bị kỳ thị bởi những thiên kiến. Hoa kỳ cũng thúc đẩy Việt Nam xét lại việc từ khước khuyến cáo bãi bỏ điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia -- như các điều luật 84, 88, 258, đã được nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng để kết án những tiếng nói bất đồng chính kiến, chống đối chính quyền, hoặc những chính sách của nhà nước. Và cuối cùng Hoa kỳ khuyến khích Việt Nam phải nhanh chóng đẩy mạnh tiến trình đăng ký các giáo hội tại Việt Nam và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”

VOA: Theo thông cáo báo chí hôm thứ 6 của tổ chức Human Rights Watch, Việt Nam đã bác bỏ 45 khuyến nghị của các nước thành viên. Trong đó có những đề nghị đòi chính phủ Việt Nam từ bỏ việc kiểm soát internet và các trang blog và thu hồi lệnh cấm đối với các tổ chức truyền thông tư nhân; cho phép đoàn thể và cá nhân được cổ xúy cho nhân quyền, bày tỏ ý kiến và công khai nói lên quan điểm bất đồng. Xin ông vui lòng cho biết thêm chi tiết về sự chỉ trích này.

Võ Văn Ái: Bên cạnh 5 tổ chức phi chính phủ bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, có 5 tổ chức phi chính phủ đã phê phán sự thiếu sót của Việt Nam hay sự bãi bỏ khuyến cáo của các quốc gia thành viên. Đó là Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, Hội Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch, và Văn Bút Quốc tế. Cá nhân chúng tôi đã thay mặt cho Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với những khuyến nghị của Hoa kỳ, Canada. Đặc biệt, chúng tôi đã bày tỏ hậu thuẫn cho khuyến cáo của Na Uy, yêu sách Việt Nam để cho các xã hội dân sự, và các cá nhân và tổ chức được tự do ăn nói và thăng tiến nhân quyền. Đặc biệt là tại Việt Nam hiện nay có thể nói là các tổ chức tôn giáo là những xã hội dân sự còn sót lại vì những tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự đều do Đảng và Nhà nước lập ra chứ không có những tổ chức độc lập. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Việt Nam thực thi đề nghị của Hoa kỳ là thừa nhận và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của các giáo hội độc lập, trước hết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và trả tự do cho các tù nhân vì tôn giáo như Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

VOA: Xin cám ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Xin mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe cuộc phỏng vấn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG