Bàn tay của Thierry Henry chạm quả bóng tròn trước khi gạt cho Gallas xông tới đội đầu vào lưới của thủ thành Given (Ireland) đã mang lại thắng lợi cho đội Pháp trong trận đấu tối 18-11-2009 tại Stade de France - Paris.
"Bàn tay Henry" ngay sau trận đấu đã thành đề tài tranh luận sôi nổi trên đài phát thanh, báo chí và trong các quán cà phê, trên vỉa hè các thành phố trên thế giới.
Vì bàn tay ấy đã quyết định số phận của 2 đội Pháp và Ireland, ai được vào vòng chung kết tháng 6 và tháng 7 của giải Mondial 2010, một giải thể thao sôi nổi nhất hành tinh.
Với bàn tay Henry, Pháp được trọng tài công nhận là thắng, được vào vòng chung kết, đội Ireland bị loại đành phải nằm nhà, cay đắng, buồn bã, tức giận nữa vì cảm thấy bị oan trái, dân Ireland vốn có truyền thống tự hào dân tộc nên có phản ứng khá mãnh liệt; nước Anh tuy từng cai trị và có mâu thuẫn với nước nhỏ Ireland, nhưng lại là láng giềng của Ireland, các cầu thủ bóng đá Ireland thường chơi trong các câu lạc bộ Anh, nên báo chí Anh rất mạnh mồm bênh vực Ireland.
Báo Anh và Ireland ngay sau trận đấu, sáng 19-11 chạy tít: "Bàn tay của ma quỷ!"
- the evil 's hand !, rồi "bàn tay của con cóc " (khác với bàn tay của Thượng đế, của Maradona hồi nào), chỉ rõ bàn tay Henry là bàn tay xấu xa, bàn tay phạm tội, bàn thắng của Pháp là bẩn, không xứng đáng, yêu cầu phải chơi lại !
Ngày hôm sau nữa, sau khi Thierry Henry thú nhận rằng đúng là bóng có chạm tay mình, chạm đến 2 lần, nhưng... "tôi không phải là trọng tài, tôi rất mừng vì trọng tài vẫn cho đội Pháp thắng!", báo Anh và Ireland lại chạy tít: "Henry - kẻ ăn gian !" - Henry - the cheater ! Bài báo nhấn mạnh, chuyện Henry 2 lần phạm lỗi trong vòng cấm địa đối phương, lại là Thủ quân đội Pháp.
Thế rồi ngay sau đó bàn tay Henry thành vấn đề chính trị. Vì sau khi dự trận đấu, bắt tay khen huấn luyện viên Domenech, thủ quân Henry, tổng thống Nicolas Sarkozy bay sang Bruxelles - Bỉ dự cuộc họp Liên Âu, trong trả lời phỏng vấn, ông chia sẻ niềm thất vọng với đội Ireland, nhưng vẫn vui mừng(!) và hãnh diện(!) về chiến công của đội Pháp.
Khi Thủ tướng Ireland nói với ông rằng Chính phủ Ireland đã khiếu nại và yêu cầu đá lại một trận khác trên tinh thần "fair-play trong thể thao" - ngay thật (quân tử) (!) trên sân chơi -, tổng thống Pháp nhún vai đáp: "đó là quyền xử lý của những tổ chức thể thao, tôi không can thiệp !"
Trong khi đó ở Paris, Bộ trưởng Kinh tế được coi là có uy tín nhất trong chính phủ là bà Christine Lagarde cho rằng lẽ ra Pháp phải nhận là thua, nhường cho Ireland vào vòng chung kết, thế mới đẹp! Ngay lúc đó báo le Figaro đưa tin thăm dò dư luận Pháp : 69% ý kiến cho là Pháp không xứng đáng đi Nam Phi, chỉ 22 % cho là xứng đáng, vì phải tuân theo ý trọng tài Thuỵ điển, theo đúng điều lệ (không thì đại loạn!); số còn lại không có ý kiến rõ.
Nhưng gay go cho đội Pháp là bà Roselyne Bachelot, Bộ trưởng Y tế kiêm luôn cả ngành thể thao thì phàn nàn về sự kém cỏi của đội Pháp và phê bình thẳng sự yếu kém của huấn luyện viên Domenech. Ông này không phải tay vừa, phản ứng ngay: Tôi không cần ai dạy !
Cuộc tranh luận lan cả vào quốc hội Pháp; nhiều nghị sỹ đảng xã hội, cả một số nghị sỹ đảng UMP của tổng thống cũng lên tiếng tỏ ra xấu hổ thay cho đội Pháp, thắng không vẻ vang gì, lại còn mang tai tiếng. Nghị sỹ François Bayrou thuộc cánh trung mỉa mai triết lý rằng: "Trong một thế giới hoàn hảo, lý tưởng, thì phải chơi lại trận này, nhưng tiếc thay, thế giới hiện nay chưa hoàn hảo!".
Tin cuối cùng cho biết "bàn tay Henry " đang làm nhức đầu các quan chức cao nhất của FIFA - Liên đoàn bóng đá toàn thế giới do ông Blatter làm chủ tịch, cũng như đang gây tranh luận trong ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Châu Âu do danh thủ Pháp Platini làm chủ tịch. Platini rất khó xử trước lá đơn khiếu nại chính thức của Liên đoàn bóng đá Ireland (đòi huỷ bỏ kết quả trận đấu 18-11 và chơi một trận khác), được Liên đoàn bóng đá Anh ủng hộ. Thêm nữa bộ trưởng tư pháp Ireland cũng nhân danh chính phủ Irlande gửi công văn cho FIFA ủng hộ yêu cầu của làng bóng Irlande, nhân danh bảo vệ sự trong sạch, công bằng, ngay thẳng trong thể thao giữa thế giới văn minh.
Trong lịch sử bóng đá đã có 1 lần trận đấu quốc tế bị hủy bỏ và đấu một trận khác.
Ngày 2-12 này tại Nam Phi ban chấp hành FIFA sẽ họp để xét một số vấn đề, trong đó quan trọng nhất là về "bàn tay Henry", về trận đấu Pháp - Ireland, để ngày 4-12 sẽ rút thăm phân chia các bảng và thời gian, địa điểm thi đấu vòng chung kết giữa 32 đội đến từ mọi khu vực sẽ diễn ra trong tháng 6 và tháng 7 năm 2010, lần đầu tiên trên lục địa Phi châu, tại quê hương của Nelson Mandela.