Các chính trị gia Châu Âu và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường bày tỏ sự thất vọng sâu xa về việc các nhà lãnh đạo thế giới đã không đạt được một hiệp định cứng rắn mang tính cách cưỡng hành để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị Copenhagen. Trong khi Châu Âu bắt đầu một tuần lễ làm việc mới Thông tín viên Lisa Bryant tường thuật cho đài VOA từ Paris rằng phản ứng đầu tiên có thể thấy được là giá giấy phép thải khí carbon giảm xuống trên thị trường Châu Âu.
Giá giấy phép thải khí carbon trên thị trường hạ xuống gần 9% hôm thứ Hai trên Thị trường Khí thải Châu Âu, hệ thống buôn bán giấy phép quyền thải khí carbon của Châu Âu, và là thị trường thuộc loại này lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia nói rằng việc hạ giá này là phản ứng tức thời sau khi hiệp ước về khí hậu biến đổi không có tính cưỡng hành được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra tại hội nghị Copenhagen.
Tuy nhiên không phải chỉ có các doanh nghiệp châu Âu tỏ ra nản lòng về kết quả của hội nghị.
Nói chuyện, qua hệ thống video nối kết với các tham dự viên tại một hội nghị năng lương, Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nói lên thất vọng chung, mặc dù ông lập luận rằng hiệp ước Copenhagen chỉ là bước khởi đầu.
Thủ tướng Anh nói: “Tôi không thể che giấu thất vọng. Chúng ta đã không đạt được một hiệp định về khí hậu biến đổi. Tuy nhiên chúng ta vẫn thúc đẩy điều đó, và tôi chỉ muốn nói rằng chiến dịch được dự tính có thể thực hiện trong vài tháng tới.”
Ông Brown nói rằng trong số các tiến bộ lớn khác, Anh quốc đã đồng ý giới hạn mức gia tăng nhiệt độ của địa cầu lên 2 độ C so với mức tiền công nghiệp hóa và đưa ra các mục tiêu giảm khí thải trong vài tuần tới.
Ông nói rằng một phần của chiến dịch này là bảo đảm các mục tiêu đó được xếp vào ưu tiên cao.
Các chính trị gia châu Âu khác cũng kiềm chế phản ứng của mình. Đại sứ Pháp đặc trách các cuộc đàm phán về khí hậu biến đổi, Brice Lalonde, nói rằng trong khi hiệp ước Copenhagen chưa phải là lý tưởng, những cũng không hẳn là một thất bại.
Ông Lalonde nói với đài phát thanh Europe 1 nói rằng bản hiệp ước quan trọng vì 2 lý do chính.
Thứ nhất nó qui định số viện trợ để đối phó với khí hậu biến đổi. Thứ nhì nó nhấn mạnh tính cách minh bạch, vì vậy mỗi nước sẽ biết nước khác đang làm gì để cắt giảm lượng khí thải.
Liên hiệp châu Âu, trong tư cách là một khối, cam kết sẽ cắt giảm một lượng khí thải lớn nhất thế giới, và mục tiêu đặt ra là trước năm 2020 sẽ cắt giảm 20% so với mức 1990.
Liên hiệp châu Âu đã đề nghị sẽ tăng mức cắt giảm này lên 30% nếu các nước giàu khác cũng làm như vây.
Một số tổ chức bảo vệ môi trường trong đó có nhóm Hòa bình Xanh, Greenpeace, qui trách cho Liên hiệp châu Âu không thúc đẩy được các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, chấp nhận một hiệp định cứng rắn hơn tại hội nghị Copenhagen.
Nhóm này yêu cầu các chính trị gia tỏ ra kiên quyết để đạt được điều mà họ gọi là một ‘hiệp định có ý nghĩa’ vào năm tới.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1