Đường dẫn truy cập

Mỹ  thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán


<!-- IMAGE -->

Chính quyền Tổng thống Obama đang tìm thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 nước nhằm ngăn chặn chương trình phát triển võ khí hạt nhân của quốc gia này. Thông tín viên Andre De Nesnera phỏng vấn 3 cựu giới chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ về tình hình Bắc Triều Tiên và ghi nhận lại như sau:

Mục tiêu ngắn hạn của chính quyền của Tổng thống Obama là thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên. Và mục tiêu dài hạn là thuyết phục quốc gia này từ bỏ chương trình phát triển võ khí hạt nhân.

Từ năm 2003, Hoa Kỳ đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng chương trình võ khí hạt nhân của họ. Nỗ lực đó đã được tiến hành thông qua các diễn đàn thương thảo được gọi là đàm phán 6 bên, với các quốc gia tham gia đàm phán là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên.

Hồi tháng 4 Bắc Triều Tiên rút ra khỏi các cuộc đàm phán sau khi bị cộng đồng quốc tế lên án họ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa. Bắc Triều Tiên cũng đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế và khởi động lại nhà máy sản xuất plutonium. Sang tháng năm, Bắc Triều Tiên lại tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Tuy nhiên trong mấy tháng vừa qua, Bình Nhưỡng đã chuyển đi tín hiệu cho thấy họ có thể sẵn sàng tham gia trở lại các cuộc đàm phán 6 bên. Tín hiệu này đã dẫn đến việc mới đây Đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên Stephen Bosworth đến thăm Bình Nhưỡng, và đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và chính quyền của Tổng thống Obama.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí hôm 16 tháng 12 tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sau chuyến công du, Đặc sứ Bosworth nói rằng Bắc Triều Tiên tỏ cho thấy họ có thể quay lại bàn đàm phán.

Ông nói rằng Binh Nhưỡng cũng đồng ý tuân thủ trên nguyên tắc hiệp ước năm 2005, kêu gọi Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình phát triển võ khí hạt nhân để đổi lại các lợi ích về năng lượng, kinh tế và an ninh.

<!-- IMAGE -->

Đặc sứ Bosworth nói: “Họ đồng ý về tầm quan trọng của tiến trình đàm phán 6 bên. Họ tỏ cho thấy muốn nối lại tiến trình đàm phán. Họ đồng ý về tính chất thiết yếu của bản tuyên bố chung năm 2005. Những nước khác tham gia trong tiến trình này cũng nhận thấy như vậy. Tất cả chúng ta đều muốn quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên khi nào sẽ tiến hành và tiến hành như thế nào là điều tôi không thể trả lời ngay lúc này.”

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (1992), ông Lawrence Eagleburger nói rằng cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh đối với Bắc Triều Tiên.

Sau đây là lời ông Eagleburger: “Minh định thật rõ với những người Bắc Triều Tiên rằng nếu họ không quay lại bàn đàm phán và nếu họ tỏ ra không hợp lý họ sẽ phải trả giá cho thái độ đó, ít nhất chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh để tỏ cho thấy quan điểm của chúng ta. Có những cách chúng ta có thể làm, nhưng chúng ta sẽ không làm. Và có thể nó sẽ không được sự hậu thuẫn của quốc tế nếu chúng ta hành động như vậy. Vì vậy tôi không cho là chính quyền Mỹ hiện nay sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh đối với Bắc Triều Tiên.”

Ông Eagleburger nói rằng Hoa Kỳ có thể tìm cách thuyết phục người Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Chúng ta trông chờ đạt được gì trong các cuộc đàm phán 6 bên? Và tôi không chắc là chúng ta biết thêm gì nữa. Toàn bộ mục tiêu của các cuộc đàm phán đó, ngay từ đầu, là ngăn chặn họ đi theo hướng phát triển hạt nhân. Kết quả là chẳng những họ cứ hành động theo hướng đó, mà cuối cùng còn thành công trong mục tiêu của họ.”

Nhiều phân tích gia nói rằng con đường để đạt được một thỏa thuận với Bắc Triều Tiên là thông qua Trung Quốc – một đồng minh kiên định nhất và là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho Bắc Triều Tiên trong cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, CIA vào năm 1973 và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ từ năm 1973 đến năm 1975, ông James Schlesinger nêu nghi vấn là liệu Trung Quốc có sẵn sàng hành sử cứng rắn với Bắc Triều Tiên hay không.

Ông Schlesinger nói: “Nếu Trung Quốc sẵn sàng, trừng phạt và tham gia vào việc chế tài một cách nghiêm túc, tôi nghĩ rằng sự việc sẽ thay đổi. Tuy nhiên Trung Quốc có một ưu tiên cao hơn, đó là duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là làm thế nào để chế độ Bắc Triều Tiên không sụp đổ. Một trong những lo sợ của họ là sẽ có một làn sóng người tị nạn Bắc Triều Tiên vượt biên vào Trung Quốc. và họ sợ một nước Triều Tiên thống nhất. Và vì vậy, Trung Quốc nói rằng mọi việc phải tiến hành qua thương thảo và không rõ là họ có sẵn sàng xem xét một cách nghiêm túc các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.”

Tuy nhiên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Tướng hồi hưu Brent Scowcroft thấy có những dấu hiệu khích lệ.

Sau đây là ý kiến của ông Scowcroft: “Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang làm việc chặt chẽ với nhau trong vấn đề Bắc Triều Tiên, và tôi nghĩ rằng điều đó cho chúng ta cơ hội tốt nhất để tìm ra một giải pháp. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến đó cách nay mấy tuần. Và rồi sau đó là chuyến đi của ông Steve Bosworth đến nước này. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang cùng làm việc, để tạo áp lực với Bắc Triều Tiên, để chúng ta có cơ hội tốt hơn đưa họ trở lại hướng tháo gỡ các cơ sở hạt nhân của họ.”

Nhiều phân tích gia nói rằng quả bóng đang ở trong phần sân của Bắc Triều Tiên. Từ lúc Bình Nhưỡng tỏ dấu hiệu sẵn sàng tham gia lại tiến trình đàm phán 6 bên, các chuyên gia nói rằng bước kế tiếp là ấn định thời biểu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG