<!-- IMAGE -->
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh có ghé qua Hawaii và thăm tàu ngầm tấn công USS Jacksonville đậu ở đây. Sự tò mò của Bộ trưởng Thanh có lẽ bắt nguồn từ mục đích muốn tận mắt chứng kiến tàu ngầm nguyên tử hiện đại của Mỹ để coi nó khác gì so với tàu ngầm mà Việt Nam mua từ Nga.
Cũng nên nhắc lại rằng trong chuyến công du gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã chính thức đặt mua 6 tàu ngầm loại Kilo chạy bằng dầu diesel. Ngoài số tàu ngầm này, VN còn đặt mua thêm 8 chiến đấu cơ Su-30MK2 và có thể sẽ mua thêm 12 chiếc nữa. Theo nhiều nguồn tin, Việt Nam hiện nay mới có khoảng 24 chiếc phản lực cơ thế hệ mới như Su-27, Su-30, Mig-29 (số còn lại, khoảng 200 chiếc, đều là các chiến đấu cơ thuộc thế hệ cũ đã lạc hậu).
Các hợp đồng mua sắm mới này tái khẳng định một xu thế được hình thành cách đây không lâu là nỗ lực nâng cao khả năng tác chiến trên biển của Việt Nam. Việt Nam đã đặt mua 2 tàu hộ tống Gepard-3.9 hồi năm 2007 và trước đó nữa Việt Nam cũng từng đặt mua 4 tàu tuần tiễu loại Tarantul 1 và 5 tàu tuần tiễu Tarantul 5. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua bản quyền để tự đóng loại tàu Tarantul 1.Theo một số nguồn tin, số lượng tàu Tarantul 1 được Việt Nam đóng sẽ vào khoảng 20 chiếc.
Việc Việt Nam đẩy mạnh mua sắm vũ khí chiến đấu trên biển trong vài năm trở lại đây đã khiến nhiều người đồn đoán rằng hải quân Việt Nam sẽ tiến tới thành lập Hạm đội biển Đông với trên dưới 30 chiến hạm hiện đại. Động thái này được cho là để ứng phó với tình hình ngày càng nóng lên trên Biển Đông.
Nhìn lên phương bắc, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2007, Trung Quốc hiện có 53 tàu ngầm chạy bằng diesel và 5 tàu ngầm hạt nhân, 25 tàu khu trục, 47 tàu hộ tống, và 41 tàu tuần duyên có trang bị tên lửa, chưa kể các tàu đổ bộ (50 chiếc, gồm cả 25 chiếc có khả năng chở xe tăng).
Hải quân Trung Quốc được chia làm 3 hạm đội đóng tại biển bắc TQ (North Sea Fleet), biển đông TQ (East Sea Fleet) và biển nam TQ (South Sea Fleet). Báo cáo này không nêu rõ quy mô của hạm đội biển Nam TQ là bao nhiêu nhưng có thể phỏng đoán rằng chỉ riêng tiềm lực của hạm đội này đã lớn hơn nhiều lần tiềm lực của hải quân Việt Nam - tại thời điểm hiện nay và trong tương lai gần.
Với GDP vào khoảng $91 tỉ, nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 2.1% so với GDP của Trung Quốc ($4.330 tỉ). Nhưng đó chưa phải đã hết. Đồng nhân dân tệ hiện nay được tuyệt đại đa số giới bình luận và nghiên cứu cho là đang bị định giá quá thấp. Nếu đồng Yuan được nâng giá thêm 10% thôi thì GDP của Việt Nam sẽ chưa tới 2% GDP của Trung Quốc.
Nhưng đó cũng chưa phải đã hết. Vì trình độ công nghiệp của Việt Nam rất thấp nên hiện nay Việt Nam không thể tự chế tác được các loại vũ khí hiện đại. Điều đó đặt Việt Nam vào thế chỉ có thể dùng ngoại tệ để mua vũ khí của nước ngoài. Với một cơ cấu kinh tế trong đó thâm hụt mậu dịch kéo dài và không có dấu hiệu giảm đi như hiện nay, ngoại tệ là thứ mà Việt Nam đang rất thiếu.
Vì thế, một cuộc chạy đua vũ trang lâu dài với Trung Quốc chỉ làm Việt Nam sớm rơi vào tình trạng kiệt quệ. Đầu tư nguồn ngoại tệ hiếm hoi vào mua sắm vũ khí có vẻ như không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Có thể các quyết định mua sắm tính tới thời điểm này vẫn còn hợp lý. Tiềm lực hải quân trước đó gần như bằng không, nhưng trong tương lai gần,Việt Nam sẽ phải tự nhận thấy khả năng hạn chế của mình và ngừng xu thế mua sắm này lại.
Điều đó đặt ra tiếp một câu hỏi là Việt Nam sẽ phải tự vệ thế nào? Đây là một câu hỏi khó khăn và tôi không có tham vọng trả lời đầy đủ trong bài này. Điều may mắn là hiện nay Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vấn đề quan trọng hơn cần tập trung giải quyết thay vì gây nên một cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông. Việt Nam nên tận dụng giai đoạn thanh bình (có thể là tạm thời) này để tập trung phát triển đất nước.
So sánh một cách hơi khập khiễng thì bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng có nét giống với Nhật Bản hồi năm 1868 khi họ bị phương Tây đe dọa. Một cuộc chiến tranh với phương Tây khi đó đối với Nhật cũng đồng nghĩa với tự sát. Con đường mà họ đã chọn là bắt tay vào đổi mới triệt để đất nước bằng tư tưởng thoát Á. Điều kiện của Việt Nam hiện nay có lẽ thuận lợi hơn, khá nhiều so với Nhật Bản hồi năm 1868. Thế nhưng cũng giống như Nhật Bản, Việt Nam có lẽ cũng cần thực hiện những thay đổi nhất định cả về kinh tế, chính trị, và xã hội để khơi nguồn cho một giai đoạn phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Đây chính là nền tảng lâu dài để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
<!-- IMAGE -->
Hình: Lực lượng Hải quân Trung Quốc
Nguồn: Bộ Quốc Phòng Mỹ