Kiểm soát vũ khí là một vấn đề chủ yếu giữa Washington và Moscow. Trong bài tường trình sau đây, thông tín viên lão thành của đài VOA, Andre de Nesnera, thảo luận với 3 cựu giới chức chính phủ cấp cao của Hoa Kỳ về vấn đề kiểm soát vũ khí và hiện trạng mối quan hệ Mỹ-Nga.
Nhiều nhà phân tích đồng ý với nhau rằng trong 8 năm dưới chính quyền Tổng thống Bush, quan hệ Mỹ-Nga đã liên tục xấu đi. Các chuyên gia tự hỏi liệu Tổng thống Barack Obama có lật ngược được xu hướng tiêu cực ấy không.
Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, Phó Tổng thống Joe Biden đã trả lời câu hỏi ấy trong một bài diễn văn ngày 7 tháng 2 năm 2009, đọc tại một hội nghị an ninh quốc tế ở thành phố Munich bên Đức.
Ông nói: "Đã đến lúc, theo lối nói của Tổng thống Obama, thì đã đến lúc phải bấm khóa để khởi sự lại từ đầu, và thẩm định lại nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể, hoặc nên hợp tác với Nga."
Các chuyên gia nói bài diễn văn ấy đã mang lại một âm điệu mới, tích cực hơn cho các quan hệ giữa Washington và Moscow.
Tướng Không quân hồi hưu, Brent Scowcroft, Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, (từ năm 1974 đến 1977, và từ 1989 đến 1993), mô tả quan hệ hiện nay giữa hai nước Nga-Mỹ là "còn nhiều gai góc nhưng đang cải thiện."
Ông cho biết: "Toàn bộ ý niệm của cụm từ 'bấm khóa để khởi sự từ đầu' là điều đúng đắn nên làm về mặt tâm lý. Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã liên tục trở nên tồi tệ hơn trong nhiều năm rồi, và điều quan trọng là phải chuyển hướng. Tôi tin rằng chúng ta sắp làm được điều đó."
Hai nước đang dồn nỗ lực làm việc tiếp theo sau hiệp định Tài giảm Vũ khí Chiến lược năm 1991, gọi tắt là START One, đã hết hiệu lực từ ngày 5 tháng 12. Tuy nhiên cả hai bên đều tuyên bố sẽ tuân thủ các điều khoản ghi trong hiệp định này cho tới khi nào đạt được một hiệp định mới.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Moscow, Tổng thống Obama và Tổng thống Dmitri Medvedev, đồng ý về những điều khoản cơ bản cho một hiệp định mới.
Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ giảm bớt các đầu đạn hạt nhân chiến lược trong kho vũ khí của mỗi bên, cùng như các hệ thống chuyển tải các vũ khí đó, như phi đạn và các phóng pháo cơ có tầm bay xa, còn gọi là phi cơ thả bom chiến lược.
Hiệp định START One còn có những điều khoản kiểm chứng rất nghiêm ngặt mà nhiều chuyên gia cho rằng phải hiện diện trong bất kỳ hiệp định mới kiểm soát vũ khí nào được ký kết.
Một trong các chuyên gia ấy là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ từ năm 1973-1975, ông James Schlesinger.
Ông nói: "Vấn đề chủ yếu nằm trong những chi tiết. Như quý vị đã biết cho tới thời điểm này, hiệp định START vẫn bao gồm việc kiểm chứng, đặc biệt là người Nga đã làm gì liên quan tới các lực lượng tấn công và với cơ sở sản xuất vũ khí của họ. Rõ ràng chúng ta muốn thấy tiến trình kiểm chứng tiếp tục."
Nhiều chuyên gia nhận định Moscow muốn giảm bớt các tiến trình kiểm chứng có tính cách chi ly hơn trong một hiệp định tiếp theo sau Hiệp định START One, trong khi Washington lại muốn tiến trình kiểm chứng phải cặn kẽ hơn nữa.
Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Lawrence Eagleburger (1992) nói rằng rất khó mặc cả với các thương thuyết gia người Nga.
Ông nói: "Chẳng hạn trong quá khứ, các vấn đề hạt nhân đã gây nhiều khó khăn cho chúng ta, mới đây lập trường của Nga lại còn găng hơn nữa trong một số những vấn đề này. Và trong những tình huống như thế, chính quyền hiện nay tại Hoa Kỳ, rất nóng lòng muốn cải thiện quan hệ với Nga, thực sự có thể đưa ra một số thỏa hiệp với họ, mà theo tôi, sẽ thiếu khôn ngoan. Những sự tương nhượng đó, theo ông Eagleburger, có thể xuất hiện dưới hình thức các điều khoản kiểm chứng lỏng lẻo hơn."
Tuy nhiên các chuyên gia khác nói rằng bởi vì bất cứ hiệp định nào cũng phải được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, mỗi điều khoản sẽ được xem xét hết sức kỹ lưỡng. Hiệp định này cũng phải được Hạ viện Nga, tức Viện Duma, thông qua. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng đó là điều đã được dự báo trước.
<!-- IMAGE -->