Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 8/1, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nói rằng hai nước sẽ tổ chức hơn 30 hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Việt Nam trong năm 2010.
Hãng tin Tân Hoa Xã trích lời ông Thơ nói rằng các hoạt động này cũng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia và người dân hai nước.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Đại sứ quán Việt Nam, ông Thơ cho biết rằng Việt Nam và Trung Quốc dự kiến cũng sẽ duy trì các cuộc trao đổi cấp cao trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Ông Thơ còn nói rằng Việt Nam coi trọng việc thiết lập mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc khi nước này đảm trách vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cũng tuyên bố Việt Nam sẽ tích cực tham gia hội chợ World Expo 2010 ở Thượng Hải vào tháng Năm, cũng như hội chợ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á (China – ASEAN Expo) ở Nam Ninh.
Tân Hoa Xã nhắc lại rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004. Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại song phương đã đạt gần 18 tỷ đôla trong 11 tháng đầu năm 2009, tức là tăng 0,6% so với năm trước.
Đại sứ Thơ cũng nói rằng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA) sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước.
Ông Thơ được trích thuật nói rằng ông hy vọng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư vào các dự án ở Việt Nam.
Trả lời VOA Tiếng Việt hôm 11/1 từ Hà Nội, ông Dương Danh Di, một chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, cho rằng, trong hàng chục năm qua, mối bang giao Hà Nội – Bắc Kinh ‘trải qua nhiều bước thăng trầm’.
Ông Di nói: “60 năm qua, quan hệ hai nước có những lúc tốt đẹp, thân thiết với nhau như anh em nhưng có những lúc có vấn đề. Đặc biệt là từ sau khi Việt Nam giành được thống nhất, phía Trung Quốc và Việt Nam không gặp nhau về ý đồ chiến lược nên dần dần dẫn tới hai bên đối đầu trực tiếp trong suốt từ năm 1979 cho tới năm 1991 thì hai bên mới bình thường hóa quan hệ. Kể từ đó đến nay, có người nói mối quan hệ này diễn ra tốt đẹp, nhưng theo tôi, mọi chuyện diễn ra bình thường. Đây là hai nước láng giềng còn tồn tại nhiều vấn đề với nhau. Dù sao thì trên cơ sở hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau thì hai bên đã giải quyết xong biên giới trên bộ cũng như việc phân định vịnh Bắc Bộ”.
Chuyên gia về quan hệ Việt - Trung nói thêm: “Còn hiện nay, không nói mọi người cũng rõ, là đang có chuyện về Biển Đông. Lập trường và suy nghĩ của hai bên còn khoảng cách rất lớn. Nhưng tôi tin rằng nếu lãnh đạo hai nước đều tỏ ra kiềm chế, và biết điều thì có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Nhưng cũng phải nói thật, đây là vấn đề nan giải nhất trong quan hệ song phương Việt – Trung”.
Trong khi truyền thông Trung Quốc không đề cập tới vấn đề Biển Đông, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) đã dẫn lời ông Thơ trả lời báo chí Trung Quốc về việc khai thác dầu khí của Việt Nam ở khu vực tranh chấp này.
Đài Tiếng Nói Việt Nam trích lời ông Thơ nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng: ‘Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Các hoạt động kinh tế của Việt Nam ở trên vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, nằm trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi xin khẳng định rõ với các bạn như vậy’.
Cũng theo Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đại sứ Thơ cho rằng vấn đề Biển Đông là ‘do lịch sử để lại, có tính phức tạp nhất trong quan hệ Việt-Trung’.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cũng cho rằng quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn còn tồn tại ‘một số vấn đề’, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.
Báo chí Việt Nam trích lời ông Tường nói rằng lãnh đạo Trung Quốc đề xuất ‘gác lại tranh chấp và cùng nhau khai thác’ ở khu vực biển này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dương Danh Di, đây không phải là ‘lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra quan điểm như vậy, mà đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã có chủ trương này’.
Ông Di nói: “Nhưng sau đó họ cho chiến hạm giả làm tàu đánh cá đi kiểm soát vùng biển Đông họ cho là của họ. Họ xua đuổi, bắt giữ người Việt Nam. Cho nên câu nói của ông Tôn Quốc Tường, những ai có hiểu biết thì không ai có thể tin được. Đó là lại gác tranh chấp theo kiểu Trung Quốc”.
Nguồn: Xinhua, VietNamNet, VOV
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1