Một công ty thực phẩm khổng lồ Trung Quốc đề nghị trả 1 tỉ 400 triệu đô la để mua một trong những công ty đường lớn nhất của Úc. Cái giá mua khổng lồ mà Trung Quốc đề nghị có thể gợi lại những lo ngại về đầu tư của Trung Quốc tại Úc. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer tường trình.
Công ty thực phẩm lớn nhất Thượng Hải, Bright Food Group đang nỗ lực mua lại việc kinh doanh của công ty sản xuất đường CSR, một trong những công ty lâu đời nhất của Úc.
Công ty Bright Food có được sự hỗ trợ của một vài người ủng hộ giàu có và nhiều thế lực. Cổ đông chiếm đa số cổ phần của công ty là chính quyền thành phố Thượng Hải sẵn sàng tài trợ cho việc mua lại công ty Úc.
Các chuyên gia về công nghiệp cho biết là việc đề nghị mua lại công ty như thế có lý do vững chắc về phương diện kinh tế bởi vì trong năm qua, giá đường đã tăng gấp đôi.
Công ty CSR đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và hiện chưa rõ công ty Bright Food sẽ trở lại với một đề nghị ngọt ngào hơn để quyến rũ công ty Úc.
Một vài nhà phân tích tin rằng hành động này sẽ làm giảm bớt sự căng thẳng về việc Trung Quốc đầu tư vào những công ty Úc giữa lúc đang có sự quan tâm đối với việc người nước ngoài kiểm soát những tích sản trọng yếu và mang về nhiều lợi nhuận.
Trung Quốc là nhà đầu tư đứng hàng thứ ba tại Úc và vừa mới đây đã nắm quyền kiểm soát những mỏ than tại New South Wales và Queenland. Những doanh nghiệp của Trung Quốc cũng nắm giữ số cổ phần đáng kể tại nhiều mỏ khoáng sản lớn như Rio Tinto và Fortescue Metals.
Ông Mark Causer, một cố vấn cao cấp về đầu tư của tập đoàn Australia’ Perspective nói là Canberra luôn luôn theo đuổi lợi ích quốc gia trước tiên.
Ông nói: “Tôi vẫn còn nghĩ là chính phủ Úc sẽ bảo vệ với bất cứ giá nào quyền lợi của Úc. Tuy nhiên họ cũng sẽ xét đến những cơ hội mà vốn nước ngoài, trong trường hợp này là Trung Quốc, sẽ có gì để cống hiến cho những công ty Úc, cho dân chúng và những cổ đông Úc.”
Trong năm qua, những đề nghị đầu tư của những công ty Trung Quốc tại Úc bị Hội đồng Cứu xét Đầu tư của Australia giám sát việc đầu tư nước ngoài bác bỏ. Điều này gây nên sự phàn nàn về phía Trung Quốc là hệ thống này không công bằng và không minh bạch.
Cuối năm 2009, Hội đồng chính thức bác bỏ những chỉ trích này, nhấn mạnh đến việc là trong vòng 18 tháng trước đây, Hội đồng đã chấp nhận đầu tư của Trung Quốc vào Úc trị giá khoảng 30 tỉ đô la.
Trong năm qua, đã có những lo ngại là khó khăn trong mối quan hệ ngoại giao song phương sẽ gây thiệt hại cho những giàn xếp buôn bán giữa Bắc Kinh và Canberra.
Mối quan hệ này trở nên xấu đi khi ông Stern Hu, một giám đốc điều hành của công ty mỏ Úc bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ vào tháng 7 năm ngoái vì bị nghi là lấy cắp những thông tin mật về thương mại. Sự căng thẳng càng tệ hại hơn nữa khi một nhà lãnh đạo lưu vong Uighur bị Bắc Kinh cáo buộc là khủng bố được phép vào thăm Úc.
Mặc dù có những rắc rối chính trị như vậy, quyền lực của tiền bạc đã giữ cho công cuộc giao thương giữa Trung Quốc và Úc vững mạnh.
Mậu dịch giữa hai đối tác Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay trị giá khoảng 60 tỉ đô la mỗi năm. Các công ty hầm mỏ Úc chiếm phần lớn trong giao thương với Trung Quốc.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1