Phụ nữ có được chăm sóc y tế hay không tác động đến xã hội ở các quốc gia giầu cũng như nghèo. Trong bài viết sau đây, biên tập viên Laurie Kassman của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tìm hiểu về các trở ngại khiến phụ nữ không được chăm sóc y tế tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới và lý do vì sao vấn đề này là một vấn đề nghiêm trọng. Minh Phượng thuật lại nội dung bài này trong Câu Chuyện Phụ Nữ ngay sau đây.
Càng ngày vấn đề chăm sóc y tế cho phụ nữ càng được công nhận là một yếu tố xây dựng chủ yếu cho xã hội. Bà Lori Ashford là một chuyên gia phân tích chính sách kỳ cựu tại Văn Phòng Tham Khảo về Dân Số tại thủ đô Washington. Bà nêu nhận xét như sau:
Tiêu biểu tại các quốc gia đã đầu tư vào phụ nữ, chỉ số y tế thường tốt hơn. Nếu ta đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cũng hạ thấp, bởi vì phụ nữ mạnh khỏe sẽ sinh con mạnh khỏe hơn, và phụ nữ có học thức hơn cũng chăm sóc cũng có con mạnh khỏe hơn.
Bà Ashford nêu Iran là một ví dụ cho thấy phụ nữ tiếp cận được nhiều hơn với vấn đề chăm sóc sức khỏe nhờ việc đem lại sự chăm sóc đó đến tận nơi những người phụ nữ sinh sống. Bà giải thích thêm:
Họ đã lập các mạng lưới y tế nông thôn quanh các nhà y tế cung cấp sự chăm sóc phòng ngừa cơ bản như kế hoạch hóa gia đình, chủng ngừa. Và các nhân viên chăm sóc y tế cho phụ nữ đi thăm các gia đình người dân để chỉ bảo cho họ về chăm sóc y tế, hỏi han về các nhu cầu của họ và đoan chắc rằng những đứa trẻ được tiêm chủng ngừa.
Bà Ashford cho biết tỷ lệ các thai phụ chết trong vòng 2 thập niên vừa qua đã giảm bớt được 2 phần 3. Con số trẻ sơ sinh chết tại Iran cũng giảm xuống một nửa.
Ngược lại, các giới chức y tế tại Zambia nói rằng con số các thai phụ chết tăng cao ở đó có thể là do việc phụ nữ không được hưởng sự chăm sóc y tế thích đáng.
Tại các nước nghèo nhất trong khu vực, các dịch vụ y tế thường quá tải và thiếu nhân lực. Giúp cho phụ nữ được hưởng các dịch vụ y tế thường là một thử thách quan trọng.
Các trở ngại thường là về vật chất, tài chính và tâm lý. Danh sách các trở ngại đó rất dài: không có phương tiên chuyên chở hay trông trẻ, có ít hoặc không có các đồ tiếp liệu y tế hay nhân viên lành nghề để giúp chẩn y viện hoạt động, không có tiền mua thuốc men hay bệnh nhân không biết đọc biết viết để theo đúng chỉ dẫn hay điền đơn từ. Trong các xã hội cổ hủ, phụ nữ lại còn bị hạn chế không được ra khỏi nhà mà không có người đàn ông đi kèm.
Bà Kathleen Kurz là giám đốc Chương Trình Dinh Dưỡng và Sức Khỏe Sinh Sản cho Trung Tâm quốc tế nghiên cứu về phụ nữ. Bà cho rằng phá đổ các rào cản thường tùy thuộc vào sự canh tân và hợp tác ở mức quần chúng và sự cam kết của các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội và tôn giáo. Nhưng bà nói rằng mở một chẩn y viện chỉ là phân nửa sự thách đố đó. Sau đây là nhận xét của bà Kurz:
Dầu sao, một người đàn bà có thể vào chẩn y viện đó hay không? Khi được hỏi han, bà ấy có nhận là mình có vấn đề sức khỏe hay không? Bà có đề cập đến vấn đề ấy với người nào khác trong gia đình để suy nghĩ hay bàn bạc cách thức đối phó với vấn đề hay chăng? Bà có được sự hỗ trợ của chồng, hay gia đình nhà chồng hay những người lớn trong gia đình hay không? Bởi lẽ, tại nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ phải sống với gia đình chồng khi thành hôn. Và rồi, có huy động được tiền bạc để đưa bà đi chăm sóc sức khỏe hay trang trải các dịch vụ và thuốc men phải mua hay không? Vì thế có rất nhiều câu hỏi và nhiều bước nối tiếp sau khi người đàn bà thực sự bước qua ngưỡng cửa chẩn y viện để nhận các dịch vụ y tế.
Chiến tranh và xâu xé nội bộ tại nhiều nơi ở châu Phi và châu Á cũng biến phụ nữ thành các nạn nhân và buộc họ phải rời bỏ nhà cửa và các hệ thống chăm sóc y tế. Sự lây lan của bệnh AIDS cũng vậy.
Bà Kurz cho rằng châu Mỹ Latinh là một điểm sáng ở chân trời. Theo bà, tình hình ở đây được cải thiện phần lớn là nhờ việc phụ nữ ngày càng được thừa nhận và đối xử một cách bình đẳng hơn trong xã hội. Bà nói tiếp:
Một lý do nữa là các chính phủ đã trở nên mạnh hơn, vì vậy mà các vấn đề sắc tộc và tham nhũng cũng bớt đi. Vì thế tôi cho rằng chính quyền mạnh hơn và khái niêm về phụ nữ bình đẳng cũng đã gia tăng.
Các nhà phân tích như Lori Ashford thuộc Văn Phòng Tham Khảo Dân Số cho rằng tài trợ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ vẫn là một thách thức lớn cho các nước đang phát triển với nguồn tài nguyên ít ỏi và dân số tăng nhanh. Bà Ashford lập luận:
Ngay cả trong trường hợp duy trì mức độ hiện thời về chăm sóc y tế, thì các nước này vẫn bị tụt hậu vì họ phải phục vụ cho số dân ngày càng nhiều hơn và số phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh sản tăng lên.
Mặc dù vậy, những người chủ trương về chăm sóc y tế cho rằng vẫn có thêm các nước thừa nhận chăm sóc y tế là một ưu tiên quốc gia và đi tìm các phương sách để thực thi các chương trình quần chúng đem lại lợi ích và tạo ra được sự khác biệt.