Hôm thứ Sáu tuần trước, Nga và Mỹ đã hoàn tất một cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Cuộc trao đổi này diễn ra ngay tại phi trường quốc tế ở Vienne, nước Áo và báo chí hoàn toàn bị cấm không được đến săn tin.
Đồng thời cũng hôm thứ Sáu 9 tháng Bảy, bà quả phụ của điệp viên Sergei Tretyakov cũng loan báo về cái chết của chồng bà. Ông đã từ trần vào ngày 13 tháng Sáu, vì nhồi máu cơ tim, ngay tại nhà, thọ 53 tuổi. Nhân viên y tế cấp cứu đã có mặt ngay sau khi nhận được điện thoại khẩn cấp của bà nhưng không kịp, và thi thể đã được giảo nghiệm trước khi tang lễ được cử hành 3 ngày sau đó. Tin về cái chết của ông được giữ trong vòng riêng tư giữa bạn bè quen biết thôi, nhưng sau vụ 10 nhân viên tình báo Nga bị bắt và vụ trao đổi gián điệp với Nga xong xuôi, bà đành cho công bố tin ông từ trần. Bà cho biết sở dĩ bà phải công bố vì muốn ngăn chặn tình báo Nga tự nhận là "họ đã gây ra cái chết của ông để trừng phạt ông đã đào thoát" cho mục đích tuyên truyền.
Ra đời tại Mascova ngày 5 tháng 10 năm 1956, ông lớn lên ở Teheran, nơi thân phụ ông giữ một chức vụ của bộ thương mại, và đã gia nhập KGB trong lúc học sinh ngữ tại quê nhà. Lúc đầu là một nhân viên phân tích tình báo, năm 1990 ông được cử sang Canada tìm cách kết nạp những người cung cấp thông tin. Ông nói rằng là một người yêu nước, ông muốn phục vụ cho quốc gia ông, nên ông đã gia nhập KGB để có thể phục vụ quốc gia hữu hiệu.
Đến năm 1995 ông được thuyên chuyển sang trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York. Vào lúc này những ngờ vực đối với cấp trên của ông và chính phủ Nga ngày càng lớn dần và ông muốn đào thoát. Tuy nhiên một trở ngại lớn lúc đó là thân mẫu ông còn ở lại quê nhà, ông sợ mẹ ông sẽ bị trả thù. Đến khi bà qua đời năm 1997, ông bắt đầu cung cấp cho các giới chức Mỹ tin tình báo, khi ông giữ chức vụ chính thức là phụ tá (trợ lý) cho đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Sergei Lavrov. Nhưng trên thực tế, ông Tretyakov là một nhân viên tình báo làm việc cho cơ quan SVR của Nga, hậu thân của cơ quan tình báo KGB thời Liên Xô, điều khiển đường dây gián điệp Nga tại đây.
Tháng 11 năm 2000, ông, vợ ông và cô con gái đã biến mất khỏi nơi cư trú của nhân viên ngoại giao tại quận Bronx, thành phố New York.
4 tháng sau đó, nước Mỹ xác nhận "đồng chí J" đã đào thoát sang với họ. Theo ông Pete Earley, tác giả cuốn sách viết về cựu điệp viên Nga này, tựa đề "Comrade J: The Untold Secrets of Russia Master Spy" (xin tạm dịch: Đồng Chí J: Những Bí Mật Chưa Được Tiết Lộ Của Một Gián Điệp Gạo Cội Nga) ông Tretyakov được coi là một điệp viên quan trọng nhất cho Hoa Kỳ kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Và thông thường thì các gián điệp nói chung, và gián điệp đào thoát, nói riêng, hiếm khi nào tiết lộ những chi tiết về đời họ. Vậy thì tại sao tác giả Pete Early lại có thể tiếp xúc và có được những chi tiết về ông Sergei Tretyakov để viết thành một cuốn sách về nhân vật này? Ông Pete Early thuật lại như sau:
"Thưc sự tôi được FBI và CIA giới thiệu với ông Tretyakov. Điều này cũng khá lạ kỳ. Ông đã đào thoát từ năm 2000, và sống ẩn danh. Sau khi họ đã lấy xong mọi thông tin từ ông, ông muốn thuật lại câu chuyện của ông. Còn tôi thì đã từng viết sách về những gián điệp khác, John Walker Jr, một gián điệp nổi tiếng đã phản bội lại nước Mỹ bị bắt năm 1996, và Aldrich Ames, một nhân viên CIA đã phản bội quốc gia, làm gián điệp cho KGB, đã gây nên cái chết của 10 điệp viên của Hoa Kỳ tại Nga."
Tôi đã viết sách và được biết tiếng, nên ông Tretyakov đã chọn tôi để thuật lại câu chuyện của ông.
Khi được hỏi là ông Sergei Tretyakov có gì đặc biệt khi so với những gián điệp khác từng đào thoát? Tác giả Early trả lời:
"Ông đã đào thoát sau khi Liên Xô sụp đổ, vì thế ông là người đầu tiên đã đào thoát trong thời Yeltsin và rồi đến Putin, và ông cũng đã do thám cả Yeltsin và Putin trong suốt 3 năm trước khi ông đổi đường hướng để quay sang với Hoa Kỳ. Và vì vậy ông là gián điệp đầu tiên sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc."
Điệp viên này đã thay đổi tư tưởng từ lúc nào? có phải là từ khi ông bắt đầu ra làm việc ở nước ngoài và được chứng kiến thể chế dân chủ Tây phương? Tác giả Earley đồng ý như vậy:
"Điều đó rất đúng, lúc đó ông làm việc cho KGB tại Canada khi Liên Sô sụp đổ. Ông có nhiều khát vọng, ông nghĩ rằng Perestroika và Glastnost (tái cấu trúc và đổi mới) sẽ giúp cho nước Nga, thế rồi ông chứng kiến thấy Yeltsin, một người mà ông coi là bợm nhậu say sưa bí tỉ, để mặc cho những kẻ có quyền thế ăn cắp tài sản của nhân dân, của quốc gia. Sau đó là Putin, rất cứng rắn, mạnh tay đàn áp, nhiều ký giả đã chết dưới tay ông ta, và ông Tretyakov cảm thấy là Putin là một kẻ tội phạm, vì thế ông đã quyết định, không những chỉ đào thoát, mà còn giúp cho Hoa Kỳ lấy được những bí mật của Nga."
Một trong những điều mà ông Tretyakov tiết lộ với tình báo Mỹ là khi ông còn hoạt động cho Nga tại Liên hiệp Quốc, nhân viên của ông đã mua chuộc được một giới chức Liên Hiệp Quốc để chuyển bất hợp pháp nửa tỉ đô la từ chương trình Đổi Dầu lấy Lương Thực (áp dụng cho Iraq dưới thời Saddam Hussein) sang cho những tai to mặt lớn trong chính phủ Nga.
Ông từng là một điệp viên cao cấp, rất thành công của Nga, giữ chức vụ quan trọng, và con đường hoạn lộ dẫn tới cấp cao nhất trong guồng máy SVR với tất cả những đặc quyền đặc lợi rất xán lạn. Nhưng tại sao ông lại đào thóat? Đây cũng chính là điều thắc mắc của những đồng nghiệp cũ của ông trong ngành tình báo Nga.
Ông Tretyakov đoan quyết rằng chuyện đào thoát của ông không phải vì tiền. Ông luôn luôn muốn phục vụ nước Nga, nhưng ông đã vỡ mộng với những người tự nhận là chính phủ Nga, một chính phủ tham nhũng, độc ác với dân chúng, và ngay cả những người trong guồng máy tình báo Nga cũng độc ác với nhau. Ông đi đến kết luận là phục vụ cho một chính phủ như vậy là vô đạo đức, và ông đã đào thoát để, trong đời ông, làm được một việc gì đó có ích.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông Tretyakov cho rằng, không một quốc gia nào là quốc gia hoàn toàn lý tưởng, kể cả Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng có rất nhiều điều cần phải cải tổ, tuy nhiên mỗi khi nước Mỹ phạm lầm lỗi thì họ sửa đổi để tiến lên. Hoa Kỳ là quốc gia chính yếu thúc đẩy dân chủ và Hoa Kỳ là nước lãnh đạo thế giới, và đó là lý do đã khiến ông quyết định bỏ hàng ngũ.
Ông và gia đình đã nhập tịch, trở thành công dân Mỹ năm 2006, và hằng năm, theo lời vợ ông thuật lại, họ vẫn hoan hỉ đón mừng lễ độc lập của Hoa Kỳ.
Để kết luận, chúng tôi xin nêu nhận xét của tác giả Pete Early khi so sánh ông Tretyakov với những điệp viên hành sử ngược lại với quyền lợi của quốc gia họ:
"Tôi biết điệp viên John Walker, tôi biết điệp viên Aldrich Ames, và tôi biết Sergei Tretyakov, và có một khác biệt trong trường hợp của ông Tretyakov. Người ta thường nói là một người phản bội nước này lại là anh hùng của nước kia. Nhưng Walker và Ames đã phản bội tổ quốc vì tiền. Vả lại hai người này chẳng bao giờ muốn sống tại Liên Xô cả. Tretyakov không vì tiền. Ông đã mất hết tiền của bỏ lại Mascova khi ông đào thoát. Ông có hơn 2 triệu đô la tại Mascova khi đào thoát. Ông đào thoát vì cảm thấy Kremlin đã phản bội ông, phản bội nhân dân, và ông muốn có một cuộc sống tử tế hơn cho con gái ông, và theo tôi thì đây chính là điều khác biệt giữa ông với hầu hết những người phản bội quốc gia chỉ vì tiền."
Quí độc giả, thính giả nghĩ gì về điệp viên Tretyakov vừa qua đời? Xin quí vị đóng góp ý kiến. Cảm ơn quí vị.