Đường dẫn truy cập

Abraham Lincoln: Một vĩ nhân?


Đài tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington.
Đài tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington.

Một năm trước khi qua đời, nhà văn Leo Tolstoy người Nga, được xem là một trong những đại văn hào lớn nhất của mọi thời đại, đã nhận định như sau về vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln.

“Sự vĩ đại của Napoleon, Caesar hay Washington chỉ như ánh trăng bên cạnh mặt trời của Lincoln. Tấm gương của ông là phổ quát cho toàn nhân loại và tồn tại hàng ngàn năm… Ông lớn hơn cả quốc gia của ông, lớn hơn tất cả các Tổng thống cộng lại… và là một tính cách vĩ đại, ông sẽ sống cho đến khi nào thế giới còn tồn tại” - Leo Tolstoy, Abraham Lincoln, The World, New York, 1909.

Xin mở ngoặc một chút để nói về Tolstoy. Ngoài các tác phẩm nổi tiếng của Tolstoy như “Chiến tranh và Hòa bình” và “Anna Karenina” v.v…, một tác phẩm khác có tên “Vương quốc của Thượng đế nằm trong chính bạn” (the Kingdom of God is within you), là một cuốn sách kinh điển về “bất bạo động” (non violence) dựa trên nền tảng giá trị của Thiên Chúa giáo. Tolstoy đã mất 30 năm để hoàn tất tác phẩm này. Tác phẩm đã tác động sâu xa lên Mahatma Gandhi, và bao người khác, và dẫn dắt công cuộc đấu tranh giành độc lập thành công cho Ấn Độ vào cuối thập niên 1940s. Trước khi Tolstoy mất, Tolstoy và Gandhi cũng đã trao đổi thừ từ với nhau, nhất là khi Gandhi đọc được một lá thư mà Tolstoy đã viết cho Tarak Nath Das năm 1908, có tên “Một lá thư gửi đến một người Ấn Độ giáo”. Lá thư này đã truyền cảm hứng cho Gandhi, để ông dịch sang Ấn ngữ cho người dân mình đọc, và từ đó Gandhi tìm đến Tolstoy tham khảo và khuyên nhủ cho cuộc đấu tranh cho Ấn Độ, dựa trên con đường bất bạo động. Sau này khi viết hồi ký, chính Gandhi cũng ghi nhận ảnh hưởng của Tolstoy về triết lý sống và đấu tranh trong cuộc đời của ông, nhất là tác phẩm “The Kingdom of God is within you” đã “để lại một ấn tượng vĩnh cửu lên tôi”. Đây cũng là con đường mà cụ Phan Châu Trinh cách đây hơn 100 năm, và các xu hướng vận động dân chủ Việt hiện nay, đang nỗ lực thực hiện.

Tolstoy không đơn độc trong nhận định về Lincoln. Trong các cuộc khảo sát với các chuyên gia/học thuật về lĩnh vực lịch sử, chính trị và pháp luật, thì Lincoln là tổng thống luôn đứng hàng đầu: có lúc nhất, nhì hoặc ba, thay phiên nhau với hai vị tổng thống khác là George Washington, và Franklin (Delano) Roosevelt. Cả ba vị tổng thống Hoa Kỳ Washington, Lincoln và Roosevelt đều là những người lãnh đạo quốc gia trong những thời điểm khủng hoảng nhất và thử thách nhất: Washington được biết qua cuộc cách mạng Hoa Kỳ; Lincoln qua cuộc nội chiến; Roosevelt qua Thế Chiến II [1]. Hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng trong nền chính trị nội địa Hoa Kỳ mà còn tác động sâu xa lên chính trị thế giới, trong đó hai yếu tố quan trọng toàn cầu mà sau này gọi là dân chủ (cấp tiến) và trật tự (thế giới). Quan niệm dân chủ vào lúc đó đồng nghĩa với việc người dân có khả năng tham gia và điều hành mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và nền chính trị của quốc gia mình.

Ở trên, Tolstoy không chỉ đánh giá cao về Lincoln trong nền chính trị, hay bản xếp hạng về tài năng, của các lãnh đạo Hoa Kỳ, mà còn trên bình diện lịch sử nhân loại toàn cầu.

Đã bao nhiêu sách viết về Lincoln. Mỗi tác phẩm, hiển nhiên, đào sâu về các góc cạnh khác nhau về Lincoln. Nhiều sử gia nhận định rằng ngoài Chúa Giê Su, không có một nhân vật lịch sử nào trên thế giới được viết về nhiều như thế. Vào năm 2012 đã có khoảng 15 ngàn cuốn sách viết về Lincoln. Và nó vẫn chưa dừng ở đây. Vào năm 2012, một triễn lãm trưng bày bảy ngàn cuốn sách viết về Lincoln chồng lên nhau đã có đường kính 2,44 mét và cao 10,4 mét (8 x 34 feet). Các nhà tâm lý học và lãnh đạo học ngày nay luôn xem Lincoln là mẫu mực lãnh đạo, nhất là trong thời điểm khủng hoảng và chia rẽ quốc gia.

Cuối năm 2018, một học giả được xem là sử gia hàng đầu chuyên về các tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Doris Kearns Goodwin, đã cho ra đời tác phẩm “Tài lãnh đạo: Trong thời điểm hỗn loạn (Leadership: In Turbulent Times). Sau năm thập niên nghiên cứu về nhiều tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Goodwin đã cho ra đời nhiều tác phẩm thật giá trị và lôi cuốn, trong đó có cuốn này. Trước đó, bà Goodwin đã từng được biết đến qua nhiều tác phẩm lịch sử giá trị, như Thời điểm Không Bình thường (No Ordinary Time) về Franklin Roosevelt và Eleanor Roosevelt, đoạt giải Pulitzer về lịch sử năm 1995. Hoặc “Đội của những đối thủ” (Team of Rivals) xuất bản năm 2005, được giải thưởng của Hội Lịch sử New York. Đây là một trong các tác phẩm được cố tổng thống Barrack Obama yêu chuộng nhất vì trong đó có vô số các bài học cho mọi lãnh đạo mọi thời đại. Tác phẩm này được dựa vào để làm thành phim Lincoln do Steven Spielberg đạo diễn và trình chiếu năm 2012.

Đọc các tác phẩm của các sử gia Mỹ và Anh, như Jill Lepore, Martin Gilbert, Jean Edward Smith, Arthur Meier Schlesinger Jr, Stephen Kotkin, v.v…, và đặc biệt Doris Goodwin, tôi thật sự yêu thích và say mê lịch sử, hơn trước nữa. Tài liệu dồi dào và tra cứu kỹ lưỡng: họ phải đọc hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, cuốn sách khác nhau, và phải tự tìm đến bao nguồn dữ liệu đồ sộ gốc để tra cứu, kiểm chứng, và cho ra một cái nhìn khác. Cách viết rõ ràng, chi tiết, lôi cuốn như kể chuyện, nhưng đơn giản hóa ngôn từ: mặc dầu được đào tạo hàn lâm, và các đề tài này thường phức tạp, đa chiều và gây tranh cãi, họ luôn tìm cách sử dụng ngôn ngữ giản dị dễ hiểu khi viết (plain English). Đây là kỹ năng rất khó, chứ không hề dễ, đạt được [2]. Trên hết là phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, lý luận khách quan và khoa học, để từ đó đưa ra góc nhìn khác hoặc mới, phản biện các lý luận không xác đáng hay bằng chứng không xác thực, chẳng hạn [3].

Riêng về tác phẩm “Tài lãnh đạo: Trong thời điểm hỗn loạn”, tiến sĩ Goodwin nói về bốn tổng thống Hoa Kỳ: Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt (FDR) và Lyndon Johnson (LBJ). Đọc xong tác phẩm này, tôi hiểu được thêm và sâu vì sao Hoa Kỳ vĩ đại. Đơn giản bởi vì văn hóa chính trị của quốc gia này, tất nhiên không chỉ riêng những tổng thống tài ba nói trên. Nhưng phải công nhận vai trò của lãnh đạo là quan yếu trong mọi thời đại, nhất là khi thử thách lớn hơn cơ hội, chia rẽ lớn hơn đoàn kết. Những người như Washinton, Lincoln, và Roosevelt, đều có tài năng lãnh đạo xuất chúng vào các thời điểm khủng hoảng của mình. Cuộc cách mạng, nội chiến Hoa Kỳ và Thế Chiến II đã làm thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ mà ba vị tổng thống này đã góp phần định hình. Lincoln và Roosevelt đều trãi qua những nghịch cảnh lớn lao tưởng chừng như vùi dập họ, con đường chính trị tưởng chừng như chấm dứt. Nhưng không! Họ đã vượt qua được chính mình để trở thành vĩ đại, để quốc gia họ trở thành vĩ đại.

Ngày nay chúng ta biết đến một vĩ nhân Lincoln qua nhân cách, tài lãnh đạo (vừa thực dụng vừa lý tưởng), tính khiêm nhường, lòng trắc ẩn, tham vọng lớn, tinh thần tha thứ, tài hùng biện, viễn kiến/tầm nhìn rất xa v.v… Phần lớn các tài năng này không phải do bẩm sinh, mà đến từ sự kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm, tò mò, tự học/chủ, cầu tiến và cố gắng không ngừng nghỉ của Lincoln. Trên hết, tất cả những người lãnh đạo thành công được sử sách ghi nhận đều được bảo bọc, thương yêu, khuyến khích và hướng dẫn, bởi người mẹ, cha hoặc cả hai. Tình yêu thương, lòng tin tưởng, và sự dẫn dắt của cha/mẹ là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định đối với sự thành bại của con em mình.

Có người từng cho rằng Lincoln là một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Điều đó có lẽ đúng. Sẽ không có một Lincoln thứ hai trong lịch sử. Nhưng di sản của Lincoln, bao gồm những bài học và giá trị ông để lại cho đời, và nhất là tài lãnh đạo thể hiện qua trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) rất độc đáo của ông, đều mang tính phổ quát để mọi người trên khắp thế giới thuộc bất cứ sắc tộc hay tôn giáo nào, cũng có thể học hỏi và tôi luyện được. Mahatma GandhiNelson Mandela, chẳng hạn, đều có một số đức tính trên, và đều phải trãi qua bao nghịch cảnh, thất bại và lắm khi tuyệt vọng, nhưng họ phải nỗ lực quyết tâm không ngừng để vươn lên. Tất cả các yếu tố con người này cần phải được khuyến khích, hướng dẫn và luyện tập không ngừng, như chính Lincoln đã ý thức thực hiện, từ lúc còn rất nhỏ.

Nhưng tại sao đại văn hào Leo Tolstoy, và nhiều nhà nghiên cứu học giả khác, nhận định vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là một trong những anh hùng vĩ đại nhất?

(Úc Châu, 15/07/2019)

Ghi chú:

[1] Một người khác, Woodrow Wilson, là tổng thống vào thời điểm Thế Chiến I, và tuy Hoa Kỳ có những đóng góp quan trọng vào kết quả của cuộc chiến này, Hoa Kỳ chỉ tham gia vào hai năm cuối trước khi Thế Chiến I chấm dứt. Tuy nhiên Wilson đã thất bại trong việc thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ thông qua hiệp ước Versailles và tham gia vào Liên đoàn Quốc gia (the League of Nations). Do đó Wilson chỉ được xếp hạng thứ 11 trong bản đánh giá này.

[2] Nói chung cách viết luận văn ở các trường đại học Tây phương, ngoài nguyên tắc không được đạo văn, là bốn chữ C về truyền thông (Four Cs in Communication): toàn diện/đầy đủ (comprehensive), xúc tích (concise), lập luận vững chắc (cogent) và rõ ràng (clear). Cũng có những phiên bản khác nhau về điều này, thay vì các chữ trên, thì là compelling, complete, correct, courteous, credible, consistent, creative v.v…

[3] Xin nhấn mạnh ở đây rằng khi nói đến yếu tố khách quan, nó luôn là tương đối, bởi vì đã là người, ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của môi trường gia đình, nhà trường/giáo dục, xã hội, truyền thống và văn hóa mà chúng ta sinh ra và trưởng thành. Những gì một con người tiếp thu từ lúc sinh ra đời cho đến khi lớn lên không nhất thiết lúc nào cũng đúng, cũng khách quan khoa học, do đó trong mỗi chúng ta đều có ít hay nhiều định kiến vô thức (unconscious bias) mà chúng ta hoàn toàn không biết và không hiểu vì sao có nó.

Tài liệu tham khảo:

Ngoài các tài liệu từ các links ghi nhận trong bài, các tài liệu và dữ kiện chính về Abraham Lincoln trong bài này là từ các nguồn sau đây:

1. Doris Kearns Goodwin, Leadership: In Turbulent Times, September 18, 2018.

2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.

3. Kevin Hillstrom, Laurie Collier Hillstrom, Lawrence W. Baker, American Civil War: Almanac, American Civil War Reference Library, UXL 2000.

4. Các học giả, nghiên cứu về tâm lý và lãnh đạo viết về Abraham Lincoln trên tạp chí Psychology Today cũng được sử dụng trong bài này và các bài tới (sẽ được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo, khi được sử dụng).

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG