Cuộc khảo sát về việc canh tác cây thuốc phiện tại Afghanistan của Liên Hiệp Quốc cho hay việc giảm sản lượng là do một chứng bệnh của cây dã tiêu hủy các cánh đồng trồng cây anh túc, hầu hết tại những khu vực sản xuất nhiều thuốc phiện là Kandahar và Helmand.
Cuộc khảo sát cho thấy rằng diện tích đất đai dùng để trồng cây anh túc vẫn như năm ngoái.
Người đứng đầu về thống kê tại văn phòng Liên hiệp quốc về Bài trừ Ma túy và Tội ác, bà Angela Me nói rằng điều này không có nghĩa là những nỗ lực nhắm ngăn chặn việc trồng cây anh túc thất bại.
Bà cho biết những chính sách như phân phát hạt giống lúa mỳ có thể tạo được một sự khác biệt, và tại một số nơi ở Afghanistan, việc trồng cây anh túc đã giảm bớt:
“Có những tỉnh năm ngoái trồng rất nhiều nhưng năm nay lại giảm đáng kể, vì thế dường như chương trình này đang mang lại hiệu quả.”
Trong cuộc khảo sát vừa qua, có 20 tỉnh vẫn là những nơi không trồng cây anh túc, 4 tỉnh khác thì hầu như không trồng. Còn diện tích trồng cây anh túc tại tỉnh Helmand giảm 7%.
Nhưng tại những nơi khác diện tích trồng loại cây này lại tăng đến 30%.
Hầu hết cây anh túc được trồng tại các tỉnh miền nam và miền tây, đó là các tỉnh Helmand và Kandahar, trung tâm điểm của cuộc nổi dậy của Taliban. Bà Angela Me cho biết tiếp:
“Nơi mà chúng ta thấy diện tích trồng cây anh túc gia tăng thì cũng lại là nơi mất an ninh nhiều nhất, vì thế chúng ta có thể thấy rằng việc trồng loại cây này gắn liền với tình trạng an ninh, và nó tập trung ở những vùng nơi mà chính phủ không kiểm soát được mấy.”
Người ta tin rằng Taliban đã kiếm được tài trợ nhiều nhất từ việc sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan. Bà Me nói rằng mặc dù bệnh của cây đã giết hại rất nhiều cây anh túc trồng trong năm nay, nhưng lợi nhuận có thể không giảm sút.
Giữa những năm 2005 và 2009, giá thuốc phiện đã giảm. Nhưng đến năm 2010 giá bán ra ngay tại nơi sản xuất thuốc phiện đã tăng hơn 150% so với giá năm 2009. Bà Me ghi nhận như sau:
“Ngay cả khi mà sản lượng giảm sút, giá bán ngay tại chỗ sản xuất đã tăng. Điều này có nghĩa là tiền vào tay quân nổi dậy đã tăng lên.”
Theo bà Me thì giá thuốc phiện tăng có thể đưa tới chuyện nhiều nông gia sẽ bắt đầu hoặc bắt đầu lại việc trồng cây anh túc. Afghanistan sản xuất chừng 90% thuốc phiện của toàn thế giới, và loại ma túy này được sử dụng để chế biến heroin. 50% mùa vụ thuốc phiện của Afghanistan được trồng tại tỉnh Helmand.
Cơ quan bài trừ ma túy của Liên Hiệp Quốc cho biết sản lượng thuốc phiện của Afghanistan trong năm nay dã giảm gần phân nửa. Nhưng nguyên nhân chính là do bệnh của cây, chứ tổng số gieo trồng loại cây ma túy này vẫn như trước.
Đọc nhiều nhất
1