Ai Cập đã trục xuất nhà báo của Al Jazeera về nơi cư ngụ của ông ở Úc hôm Chủ Nhật. Ông Greste được thả khỏi nhà tù sau hơn một năm bị giam cầm sau khi ông bị kết tội hỗ trợ tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo, một tổ chức bị cấm hoạt động ở Ai Cập.
Nhà báo Peter Greste rời Cairo trên một chuyến bay đến Đảo Síp trên đường về Australia, sau khi các quan chức Ai Cập cho biết Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đã phê chuẩn lệnh trục xuất ông Greste.
Nhà báo này đã bị cầm tù tổng cộng 400 ngày. Năm ngoái, ông bị kết án 7 năm tù về các tội liên quan tới khủng bố. Giữa lúc ông Greste được trả tự do, một giới chức an ninh Ai Cập cho biết một nhà báo khác của Al Jazeera bị bắt cùng với ông Greste vào tháng 12 năm 2013, là nhà báo Mohammed Fahmy, người Canada gốc Ai Cập, có thể sẽ bị trục xuất về Canada nội trong vài ngày tới. Nhà báo Fahmy cũng đang thọ án tù bảy năm.
Hiện vẫn chưa có tin tức gì về số phận của ký giả Mohammed Baher, người Ai Cập, bị tuyên án tù 10 năm, cũng với cáo trạng là sở hữu một vỏ đạn.
Lên tiếng tại thành phố Brisbane ở Bắc Úc, người anh em của nhà báo Peter Greste, ông Andrew, nói với các phóng viên rằng sự phấn khích của ký giả Peter khi được thả chỉ chừng mực và hạn chế, cho tới khi nào các đồng nghiệp của anh cũng được trả tự do.
Hội Ân xá Quốc tế hoan nghênh tin nhà báo Greste được trả tự do, và kêu gọi chính quyền Ai Cập hãy phóng thích hai nhà báo còn lại.
Đài Al Jazeera cũng ra tuyên bố hoan nghênh vụ phóng thích ông Greste, đồng thời đòi Ai Cập trả tự do cho hai nhà báo kia của Al Jazeera. Đài này nói cả ba nhà báo của họ phải được minh oan.
Quyền Giám đốc của Hệ thống Truyền thông Al Jazeera, ông Mostefa Souag, mô tả việc nhà báo Greste bị tống giam là một thử thách lớn và không có lý do biện minh đối với nhà báo và gia đình của ông.
Chính quyền Ai Cập đã tố cáo ba nhà báo là đã cung cấp một diễn đàn cho cựu Tổng thống Mohamed Morsi, một thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo, mà bây giờ bị coi là một tổ chức khủng bố.
Nhưng chính quyền Ai Cập không cung cấp bằng chứng cụ thể nào cho tố cáo đó. Các nhà báo và những người ủng hộ họ nhấn mạnh rằng họ chỉ làm công việc của họ vào một thời kỳ đầy xáo trộn và bạo động.
Các nhà báo được coi là đã bị lôi vào một cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực giữa Ai Cập và Qatar, nước tài trợ cho Al Jazeera và từng mạnh mẽ ủng hộ ông Morsi. Nhà báo Greste được trả tự do sau khi quan hệ giữa Cairo và Doha trở nên nồng ấm hơn.