Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, chỉ có văn học là sử dụng một thứ chất liệu hầu như ai cũng có: Ngôn ngữ. Nói “hầu như” là để trừ một ngoại lệ: Những người bị bệnh câm điếc bẩm sinh.
Các loại hình nghệ thuật khác không may mắn như thế. Nhạc sĩ thì ít nhất cũng cần có cây đàn. Hoạ sĩ thì cần sơn, bố và khung. Điêu khắc gia cần những thứ nặng nề và mắc tiền hơn nữa: đất, đá, đồng, sắt, thép, v.v… Ca sĩ và những người khiêu vũ không cần dụng cụ nhưng cần những năng khiếu mà không phải ai cũng có: Giọng hát và sự mềm dẻo của cơ thể.
Chỉ có chất liệu của văn học là đặc biệt: Ai cũng có. Có một cách dư dật. Hơn nữa, hoàn toàn miễn phí.
Thêm một đặc điểm này nữa: các loại hình nghệ thuật khác đều đòi hỏi những kỹ năng và kỹ thuật khá phức tạp. Muốn trở thành nhạc sĩ thì phải học về nhạc lý và nhạc pháp, phải biết sử dụng một nhạc cụ nhất định nào đó. Muốn thành hoạ sĩ thì phải biết cách pha màu, biết cách phân tích ánh sáng, biết cách vẽ người ra người, vật ra vật, chó ra chó, mèo ra mèo, và biết cách bố cục, v.v…
Còn với ngôn ngữ, nhất là với ngôn ngữ thứ nhất, để đạt đến trình độ bình thường, người ta không cần phải học tập gì cả.
Tôi hỏi bạn câu này nhé: Ở Việt Nam, có bao giờ bạn gặp một người Việt Nam nào ngu xuẩn đến độ không biết nghe và nói được tiếng Việt không?
Xin lưu ý: Phải loại trừ những người bị bệnh tật.
Riêng tôi, tôi chưa bao giờ gặp.
Sống ở Úc khá lâu, tôi cũng chưa bao giờ gặp một người Úc nào ngu xuẩn đến độ không nghe và nói được tiếng Anh cả.
Hơn nữa, tôi còn có thêm một kinh nghiệm này nữa: Tôi chưa bao giờ gặp một người Úc nào (hiểu theo nghĩa là cả bố mẹ lẫn bản thân đều sinh đẻ tại Úc) phát âm tiếng Anh dở hơn tôi cũng như vô số bạn bè của tôi hiện sống tại Úc. Họ có thể biết ít từ vựng hơn và không có khả năng nói hay viết những câu có cấu trúc phức tạp bằng, nhưng về phát âm thì bao giờ họ cũng nói đúng giọng… Úc hơn. Nghe các nhà thông thái Việt Nam nói tiếng Anh, trong hầu hết các trường hợp, người ta đều nghe ra mùi nước mắm. Nghe một người Úc cực ngu nói tiếng Anh, người ta cũng chỉ nghe mùi kangaroo. Thuần chất.
Đưa ra những ví dụ trên, tôi chỉ muốn phân biệt ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai.
Ngoài sự khác nhau về thời điểm người ta bắt đầu học (với ngôn ngữ thứ nhất thì từ lúc mới lọt lòng mẹ; với ngôn ngữ thứ hai thì khoảng trên dưới 10 tuổi), giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai còn có sự khác biệt này nữa: với ngôn ngữ thứ hai, người ta phải học, học cật lực, nhưng hầu như không bao giờ có thể đạt đến trình độ hoàn hảo, nhất là khi người ta bắt đầu muộn, ở lứa tuổi 20 trở lên; ngôn ngữ thứ nhất, ngược lại, người ta chỉ cần học một cách tự nhiên, tự động và tự phát, đến độ dễ có cảm tưởng là họ không hề học bao giờ cả.
Có thể nói để làm chủ được (ở mức bình thường) ngôn ngữ thứ nhất, người ta không cần thông minh và cũng không cần chịu khó. (Nhiều tài liệu ngôn ngữ học chứng minh là đến khoảng 5 tuổi, trẻ em đã làm chủ được tiếng mẹ đẻ. Làm chủ theo hai nghĩa: Phát được hầu hết các âm và sử dụng nhuần nhuyễn các quy luật ngữ pháp căn bản, ví dụ, trong tiếng Anh, thêm S sau các danh từ số nhiều hoặc động từ khi đi với ngôi thứ ba số ít.)
Chính tính chất dễ dàng và có sẵn của chất liệu ngôn ngữ đã tạo nên cái ảo tưởng cho nhiều người, đúng hơn, vô số người, là họ có thể làm văn học được.
Trong âm nhạc hay hội hoạ chẳng hạn, không phải ai cũng có thể soạn nhạc hay vẽ tranh được; càng không có nhiều người tưởng tượng mình là thiên tài về âm nhạc hay về hội hoạ. Lý do: Không phải ai cũng biết gảy đàn hay cầm cọ.
Trong văn học, ngược lại, phần lớn những người biết chữ đều ít nhiều thấy công việc viết văn thật dễ: Chỉ cần nhấc bút lên là có…văn.
Chữ ư? Dễ quá! Chúng đã có sẵn trong bụng rồi!
Có chữ tức là có văn. Mà đã là văn thì đương nhiên phải… hay! Chứ không phải sao? Ngay từ xưa, người Trung Hoa đã biết như thế: Văn, theo Phan Kế Bính, trong từ nguyên chữ Hán, có nghĩa là vẻ đẹp (cũng như “chương” là vẻ sáng). Văn, nói chung, như thế; huống gì là văn của mình. Người Việt. thâm thuý hơn, từng ví văn mình với vợ của những người hàng xóm đấy!
Văn mình nhất định là phải hay. Chỉ có bọn dốt mới không thấy nó hay. Nếu không dốt thì là do…bè phái!
Cái khổ của nhà phê bình không đến từ các nhà văn, nhà thơ hay độc giả mà chủ yếu đến từ những kẻ tưởng mình đã là nhà văn, đã là nhà thơ và, do đó, tự cho mình cái quyền được hưởng…sự trầm trồ khen ngợi.
Trước cái quyền ấy, ai không khen thì đều có tội.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1