Đường dẫn truy cập

Ai muốn tu tập theo Upali?


Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Trong xóm nhà tôi ở bây giờ, một công ty phụ trách làm vườn, cắt tỉa cây, lá và trồng hoa; họ tuyển toàn công nhân người gốc Mexico. Mỗi lần muốn đem quần, áo không cần dùng ra tặng các ông “amigos” đang quét lá, tôi thường bảo vợ: Có gì tặng các thầy Huệ Năng nữa không?

Gọi các ông bạn này bằng tên vị tổ Thiền Tông thứ sáu, vì theo sự tích ngày xưa kể, Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo khi đang quét lá trong sân chùa, vẳng nghe một câu Kinh Kim Cương. Ngày nay, các amigos không quét lá bằng chổi mà dùng cái máy thổi chạy bằng xăng, đeo trên vai, có cái ống, thổi lá vào thành từng đống. Khi đống lá chất lên cao họ mới quét, thu vào trong bao rác. Không quét bằng chổi, họ không có dịp “thiền tập” như Lục Tổ.

Thiền tập không nhất thiết phải ngồi xếp bằng, ngồi bán già nếu một chân gác lên chân kia, ngồi kiết già nếu hai chân bắt chéo lên nhau. Khi Lục Tổ quét rác sân chùa, ngài chăm chú từng nhát chổi, nhìn từng cụm lá đang đẩy đi, không để tâm đến thứ gì khác. Đó cũng là thiền tập, vì tâm tập trung vào thân thể, vào từng cử động của tay, chân, vào từng hơi thở; nếu bắt gặp một ý nghĩ thoáng qua trong đầu thì cho nó đi qua, rồi tiếp tục việc đang làm.

Bản thân tôi thường áp dụng các tu tập này khi rửa chén. Phải thú nhận tôi rất ghét rửa chén; hầu như ai cũng thế! Mỗi lần đi cắm trại lúc còn là Hướng đạo sinh, tôi thường xung phong nấu cơm, làm các món ăn, để các bạn khác lo rửa chén. Nhưng bây giờ tôi không giành được vai nấu cơm trong nhà, đành phụ trách rửa chén. Để quên nỗi chán nản, mỗi lần rửa chén, tôi lại coi đó là những giờ phút tu tập, tạo cho mình một niềm vui.

Chăm chú cầm từng cái chén, cái bát, cái đĩa lên. Đưa cái bùi nhùi lau từng thứ một. Lau trên, lau dưới, đằng trước, đằng sau, theo dõi từng cử động của mình. Nhìn dòng nước chảy nhẹ ngàng trên chén bát mình đang rửa; nhìn nước trong trẻo cuốn các bọt xà bông trên từng cái muỗng, đôi đũa. Các cử động đều làm trong “chánh niệm,” tức là theo dõi và biết bàn tay mình đang làm gì Tự nhiên thấy lòng nhẹ nhàng, bình an, thư thái hơn trước. Thấy vui mà không còn ngại ngùng nữa – mặc dù mỗi khi được bà vợ muốn rửa chén giúp thì vẫn vui vẻ nhường ngay.

Tôi cố rửa chén theo lối đó mấy chục năm rồi. Một lần, hồi ở Montréal, tôi đến dự một cuộc hội thảo về các tôn giáo, nhiều diễn giả thuộc nhiều sắc dân đến thuyết trình cho các học sinh một trường trung học nghe về tôn giáo của mình. Đến lượt nói, tôi dẫn lời một diễn giả trước, một chị người Canada, đạo Công Giáo, chị nói “Không nên chỉ nói mà nên sống, nên thể hiện tôn giáo của mình.” Cho nên, “Tôi sẽ không nói về đạo Phật mà xin kể chuyện mình sống đạo Phật như thế nào.” Sau đó, tôi kể rằng trước khi dến đây mình mới rửa chén ở nhà. Tôi mô tả cách rửa chén trong chánh niệm, như mới kể trên đây. Không nói gì đến Tam Quy, Ngũ Giới; không giải thích Tứ Diệu Đế hoặc 12 Nhân Duyên. Nghe xong, một bà trên bàn chủ tọa thở dài nói với công chúng: “Tiếc quá, đáng lẽ tôi phải rủ ông chồng tôi đến dự buổi hôm nay!”

Thực ra bất cứ làm việc gì mình cũng có thể thực tập chánh niệm, không phải chỉ có khi rửa chén, hay khi quét lá như Lục Tổ. Các bà các cô may vá, thêu, đan là những việc thường làm trong chánh niệm. Nhà tôi mới may xong hai cái áo nhung để tặng hai cô cháu nhân dịp Lễ Giáng Sinh. Bà yêu các cháu, cặm cụi mấy ngày mà chỉ thấy vui, không chán, không mệt. Mọi công việc tay chân đều là những cơ hội thực tập. Thí dụ, nghề hớt tóc, cạo râu.

Một đệ tử của Phật Thích Ca đã trải qua kinh nghiệm này. Ông Upali, người Việt gọi là Ưu Ba Ly, lớn lên tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Ông sinh ra trong đẳng cấp “Sudra,” đứng hàng chót trong hệ thống bốn đẳng cấp theo Ấn Độ giáo – chỉ cao hơn những người Dalits, tức là “không đáng xếp vào đẳng cấp nào.” Một “sudra” không thể đi học, tập để trở thành tu sĩ hay chiến sĩ, không được làm ruộng, làm thợ hoặc buôn bán. Mẹ ông Upali cho con đi học nghề hớt tóc để có kế sinh nhai. Ông nổi tiếng hớt tóc khéo tay. Các hoàng thân, công tử đều ưa chuộng.

Đức Thích Ca trở về Kapilavatthu vào năm Upali 20 tuổi. Nhiều vị công tử, như Ananda (A Nan Đà), Aniruddha (A Luật Đa), Appina (Kiếp Tân Na), vân vân, xin theo làm đệ tử, cũng mang Upali theo, giúp việc cạo đầu.

Trước khi các hoàng thân đến trình diện Đức Thích Ca để xin theo học, họ cởi bỏ y phục sang trọng để mặc đồ nâu sòng. Họ tặng cho Upali tất cả. Ông lo lắng nghĩ người ta có thể nghi mình ăn trộm những bộ quần áo đắt tiền đó; bèn đem treo lên mấy cành cây rồi quay lại đi theo các ông hoàng.

Một bữa, tăng chúng nhờ Upali cạo đầu cho Phật. Bà mẹ ông lo lắng, đi theo. Ông làm việc một lát, bà mẹ ông quỳ xuống hỏi Đức Phật coi ngài có hài lòng về nghệ thuật của con mình hay không. Phật nhận xét, “Thân thể cúi xuống hơi cong.” Upali nghe bèn đổi tư thế, đứng thẳng người lên. Một lát sau, bà mẹ lại quỳ hỏi, “Bạch Phật, ngài thấy được chưa?” Phật nói, “Thân đứng thẳng cứng quá.” Nghe xong, Upali bèn chăm chú giữ cho thân thể thư giãn. Lát sau, bà mẹ lại hỏi, Phật trả lời, “Hít vào hơi nhanh quá.” Upali bèn chú tâm, hít không khí vào chầm chậm. Lần chót bà mẹ lại hỏi “Bây giờ ngài thấy thế nào?” Đức Thích Ca nói, “Thở ra hơi nhanh.” Upali bèn tập trung tư tưởng, thở và, thở ra từ tốn, chậm chạp, đều hòa.” Câu chuyện trên, chép trong mạng “Buddhanet,” tiêu biểu cho bốn trình độ thiền định, vẫn lưu truyền trong Phật Giáo.

Chúng ta có thể tưởng tượng khi Upali cầm con dao cạo đầu, ông dồn hết tâm trí vào việc mình đang làm. Chàng thanh niên 20 tuổi chú mắt nhìn lớp da đầu, dưới lưỡi dao trong tay mình. Tất nhiên, khi cạo đầu cho Đức Thích Ca, mà ông biết tiếng là người đã ngộ đạo, ông càng chú tâm hơn. Không để một ý tưởng nào nổi lên trong đầu, chỉ có con mắt nhìn theo lưỡi dao trong tay. Không còn nhớ mình đang đứng trong một căn phòng hay dưới một gốc cây, chung quanh có những ai; không nhìn thấy đồ đạc hoặc cây cỏ, không biết trời lạnh hay ấm nữa. Trạng thái tập trung tâm tưởng này gọi là “Định.” Bốn lần bà mẹ đặt câu hỏi giúp Upali “nhập định” bốn lần. Theo thứ tự, ông đã thể hiện được bốn cấp bậc thiền quán, như các thiền sư đắc đạo vẫn mô tả - người không thực tập công phu thì không trải nghiệm được. Tất nhiên Đức Thích Ca cũng theo dõi và biết Upali đang trải qua bốn lần nhập định, Ông trở thành một trong mười “đại đệ tử” của Phật.

Tu tập bằng việc rửa chén chắc không hiệu nghiệm bằng việc cắt tóc, cạo đầu; vì không bắt buộc phải chú tâm bằng. Nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng rửa chén trong chánh niệm. Hy vọng trong nhiều kiếp khác, sẽ dần dần tiến bộ. Còn các bạn amigo gốc Mexico, cũng phải chờ kiếp khác mới có dịp chỉ cho họ cách quét lá trong chánh niệm như Lục Tổ.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG