Đường dẫn truy cập

Alibaba đầu tư hàng trăm triệu đô la vào thị trường bán lẻ Việt Nam


Logo của Tập đoàn Alibaba bên ngoài trụ sở ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tập đoàn này vừa ký kết hợp đồng trị giá 400 triệu USD đầu tư vào chi nhánh bán lẻ của Tập đoàn Masan của Việt Nam.
Logo của Tập đoàn Alibaba bên ngoài trụ sở ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tập đoàn này vừa ký kết hợp đồng trị giá 400 triệu USD đầu tư vào chi nhánh bán lẻ của Tập đoàn Masan của Việt Nam.

Nhóm nhà đầu tư của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba vừa ký kết khoản đầu tư 400 triệu USD vào chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Masan tại Việt Nam, nơi đang có thị trường tiêu dùng phát triển mạnh bất chấp đại dịch COVID-19.

Theo truyền thông trong nước, nhóm nhà đầu tư của Alibaba, còn gồm có Baring Private Equity Asia, sẽ sở hữu 5,5% cổ phần của The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan. Báo Công Thương cho biết rằng, thông qua giao dịch này, công ty con của Masan được định giá 6,9 tỷ USD. Được ra mắt vào năm ngoái, The CrownX hợp nhất hai doanh nghiệp đầu ngành nhằm thiết lập nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam.

Đây là thương vụ đầu tư đầu tiên của Alibaba, được thành lập bởi tỷ phú Jack Ma, tại Việt Nam trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ ngày càng tập trung vào thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm trực tuyến còn đang non trẻ ở Đông Nam Á này.

Masan, do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – người được Forbes định giá có tài sản trị giá 1,4 tỷ USD – sáng lập và làm chủ tịch, được truyền thông trong nước trích nguồn cho biết công ty đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị gía từ 300-400 triệu USD vào The CrownX. Dự kiến giao dịch sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Masan, công ty đang điều hành chuỗi bán lẻ VinMart, nói họ có kế hoạch hợp tác với Lazada, sàn giao dịch thương mại điện tử Đông Nam Á của Alibaba, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp tại Việt Nam trong thời gian tới, theo Tuổi Trẻ.

Thoả thuận này sẽ cho phép Alibaba và Lazada tiếp cận mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng của Masan, đồng nghĩa với việc họ không phải đầu tư đáng kể để thiết lập mạng lưới phân phối tại Việt Nam, theo nhận định của Financial Times về thương vụ.

Masan và Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đã hợp nhất các công ty con bán lẻ của họ vào năm 2019.

Nền kinh tế Việt Nam, cùng với Trung Quốc, là một trong số ít ở châu Á có mức tăng trưởng dương vào năm ngoái nhờ vào các quyết định của chính phủ trong việc ngăn chặn đại dịch giữa lúc các quốc gia khác trên thế giới rơi vào khủng hoảng. Các hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương và với Liên minh châu Âu được ký kết gần đây của Việt Nam, cũng như vị trí ngay sát cạnh Trung Quốc, đã khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài vào thời điểm căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

“Thoả thuận hợp tác chiến lược này sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng ‘tất cả trong một’ phục vụ các nhu cầu thiết yêu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online,” Tổng giám đốc Masan Group, Danny Le, được Kinh tế Sài Gòn Online trích lời cho biết.

Thống kê của Masan được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết nhu yếu phẩm hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Masan đặt mục tiêu nâng tổng giá trị hàng hóa từ kênh bán hàng trực tuyến của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của công ty trong thời gian tới.

Thỏa thuận này đánh dấu một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Alibaba vào Đông Nam Á kể từ khi họ mua lại toàn quyền kiểm soát Lazada vào năm 2018 với tổng trị giá 4 tỷ USD sau nhiều vòng đầu tư, theo Financial Times. Credit Suisse (Singapore) Limited và Deutsche Bank là những nhà tư vấn trong thương vụ đầu tư của Alibaba vào Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG