Đường dẫn truy cập

Everett Alvarez Jr., một tù binh chính trực và danh dự


Everett Alvarez phát biểu trước công chúng và báo chí vào tháng Hai, 1973, sau khi được trả tự do.
Everett Alvarez phát biểu trước công chúng và báo chí vào tháng Hai, 1973, sau khi được trả tự do.

Đinh Yên Thảo


Nếu cố nghị sĩ John McCain, một tù binh chiến tranh Việt Nam, đã quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam, thì một trong những cựu tù binh nổi tiếng khác, người được nhắc đến nhiều khi nói về chiến tranh Việt Nam, là Hải Quân Trung Tá Everett Alvarez Jr.. Ông là phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn hạ tại Bắc Việt và trở thành một trong những tù binh chiến tranh (POW) lâu nhất. Cuộc đời Trung Tá Everett Alvarez có nhiều điều đáng được nhắc lại trong tháng Tư hơn là việc ở tù lâu nhất.

Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào Việt Nam từ sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ,” 2 tháng Tám, 1964. Hai ngày sau, thêm một sự kiện xảy ra. Trong đêm đó Tổng Thống Lyndon B. Johnson lên truyền hình thông báo cùng quốc dân về chiến dịch Xuyên Tiễn (Operation Pierce Arrow).

Ngay khi đó, phi công Hải Quân Everett Alvarez cùng các đồng đội đang được nghe kế hoạch về phi vụ không kích Bắc Việt trên chiến hạm USS Constellation neo ngoài khơi vùng biển Thái Bình Dương. Chỉ vài giờ sau, chiến dịch xung kích bắt đầu và hàng loạt các tàu đậu tại các cảng và những kho dầu của Bắc Việt bị phá hủy nhưng hai chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ cũng gặp nạn. Phi công một chiếc tử nạn, còn Everett may mắn sống sót khi chiếc A4 Skyhawk của ông bị hỏa tiễn bắn hạ. Để rồi người trung úy phi công trẻ, 27 tuổi và mới cưới vợ đã trở thành một trong những tù binh chiến tranh lâu nhất của Mỹ, với tám năm rưỡi tù, chỉ sau Đại Tá Lục Quân Floyd James Thompson, cũng là một POW tại Việt Nam với chín năm tù.

Sinh năm 1937 tại California trong một gia đình di dân gốc Mexico nghèo và ít học, Everett là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học. Vừa học vừa làm, Everett ra trường kỹ sư điện ưu hạng tại đại học Santa Clara University với ý định sẽ đi vào lãnh vực không gian đang có nhiều nhu cầu trước cuộc chạy đua với Liên Xô lúc bấy giờ. Nhưng Everett lại thử sức mình khi thi làm phi công. Và đậu! Kết quả khiến ông phân vân giữa hai chọn lựa. Nhưng rồi thôi thúc về một đời trai binh nghiệp hào hùng, phục vụ cho quốc gia đã chiến thắng. Ông hy vọng xong việc phục vụ, với kinh nghiệm bay cùng việc quay lại học cao hơn, ông sẽ có nhiều cơ hội trở thành phi hành gia của NASA, không từ bỏ giấc mộng không gian của mình. Everett được huấn luyện và trở thành một phi công tham gia chiến tranh Việt Nam ngay thời gian đầu như vậy.

Trong hồi ký của mình, Thượng Nghị Sĩ John McCain kể khi phía Bắc Việt biết ông là con trai của một đô đốc Hải Quân Hoa Kỳ, họ đã có ý định thả ông có điều kiện, nhưng ông đã từ chối và đòi phải trả tự do cho Everett Alvarez, người bị phía Bắc Việt giam cầm trước ông. Everett được các bạn tù quý mến vì là tù binh thâm niên, cương trực và trung thành, có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cai tù Bắc Việt. Bị giam tại "Hilton Hotel", biệt danh của của nhà tù Hỏa Lò rồi qua các trại tù khác tại miền Bắc, có nhiều lúc bị biệt giam và tra tấn, Everett kể lại rằng khi không thể đối đầu với những cai tù bằng sức lực thì chỉ còn bằng tinh thần. Ông cùng các tù binh Mỹ khác đã xác quyết sẽ trở về nhà ngẩng cao đầu với lòng chính trực, trách nhiệm và danh dự của một người sĩ quan quân lực Hoa Kỳ. Đó là điều đã tôi luyện cho ông thêm ý chí và nghị lực.

Everett Alvarez được trao trả tù binh vào ngày 12 tháng Hai năm 1973, sau 3,113 ngày, tức khoảng tám năm bảy tháng tù, trong đó hơn sáu tháng đầu tiên ông là tù binh đơn độc và duy nhất trong trại tù cộng sản. Được trao tặng các huân chương cùng sự đón tiếp như người hùng, Everett được tái huấn luyện bay với Hải Quân và tiếp tục theo học tại học viện Hải quân cấp cao để tốt nghiệp cao học vào năm 1976. Khi ông xuất ngũ Hải Quân với cấp bậc trung tá sau 20 năm phục vụ quân ngũ vào năm 1980, ông được mời tham gia và làm việc tám năm với nội các tổng thống Ronald Reagan qua các chức vụ lãnh đạo các tổ chức Peace Corps, cơ quan cựu chiến binh VA...

Câu chuyện như vậy kể cũng đã đủ với một POW, một cựu chiến binh Việt Nam khí phách, mang đầy thương tích chiến tranh. Nhưng nó vẫn còn những điều để kể tiếp.

Trong năm năm trời, mỗi đêm ông vẫn tiếp tục đến trường và cuối cùng tốt nghiệp luật sư tại đại học George Washington University vào năm 1983. Rời chính phủ năm 1988, với kinh nghiệm cùng các mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ, ông mở hãng cố vấn về quản trị để thầu các công việc chính phủ. Hãng thành công và hoạt động đến năm 2003, ông bán đi và thành lập hãng thứ nhì mang chính tên ông, Alvarez LLC, một hãng cố vấn về IT để cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho khách hàng chính phủ liên bang và vẫn còn đang hoạt động mạnh tại Washington DC hiện nay.

Ở tuổi 83 hiện nay, Everett Alvarez viết sách, tham gia ban giám đốc các trường đại học và các tổ chức xã hội, tham gia ban cố vấn trong một số dự án chính phủ liên quan đến cựu chiến binh và chiến tranh Việt Nam, cũng như vài bộ phim liên quan chiến tranh Việt Nam cho đến vài năm qua. Ông tham gia các chương trình y tế cho cựu chiến binh, thỉnh thoảng lại đến trò chuyện tại các trung tâm huấn luyện phi công hải quân. Tên của ông cũng đã được đặt cho trường học, công viên, bưu điện tại nơi ông sinh ra hay từng sống và làm việc.

Khi được hỏi về bí quyết thành công cùng phương châm sống, Everett Alvarez trả lời rằng, không phải vì điều gì mà tất cả là tính cách. Một tính cách toàn diện về đạo đức, trách nhiệm, sự cam kết và lòng trung thành với quốc gia. Ông bảo, "đó là ý thức của lòng chính trực và danh dự của mỗi cá nhân".

XS
SM
MD
LG