Đường dẫn truy cập

Alzheimer, chứng nan y không thuốc chữa


Bệnh nhân Alzheimer tập luyện tại Hội Alzheimer Mexico. Hình minh họa.
Bệnh nhân Alzheimer tập luyện tại Hội Alzheimer Mexico. Hình minh họa.

Khi nói chuyện với bất cứ người nào trên 50 tuổi thì họ đều nghĩ tới một ngày nào đó họ sẽ bị mất trí nhớ. Đa số những bệnh nguy hiểm của loài người như ung thư, rối loạn với trái tim, tai biến mạch máu não và ngay cả bệnh AIDS thường thường cũng không gây ra sợ hãi giống như bệnh Alzheimer (mất trí nhớ).

Với ung thư, ta thường hay lo sợ nhưng khám phá ra sớm, bệnh này có thể điều trị khỏi hoặc cùng lắm thì cũng sống sót được cả mấy tháng hoặc mấy năm.

Tai biến động mạch não có thể phòng ngừa được bằng cách chữa cao huyết áp. Bệnh cũng có thể gây ra tê liệt vĩnh viễn nhưng ngày nay nhờ các phương tiện như thuốc men, y khoa phục hồi nên bệnh cũng khá hơn trước. Ngoài ra, dinh dưỡng tốt, các loại dược phẩm hạ cholesterol hay và uống viên aspirin nhỏ bé mỗi ngày cũng có thể giúp ta phòng ngừa hoặc trì hoãn bệnh tim. Và nếu các cách trên không công hiệu, ta có thể chạy sang những cửa hàng khác như là nối động mạch, bypass, thay van tim, dùng tia laser chiếu thẳng vào các thớ thịt tim và dùng gen để tạo các mạch máu mới. Và cuối cùng ta còn anh thay tim để chữa bệnh.

Mặc dù với các loại thuốc mới, bệnh AIDS coi có vẻ khá hơn và trong một số trường hợp, bệnh này có thể khỏi tự nhiên.

Não của người bệnh Alzheimer

Cho tới năm 1900, dân chúng vẫn tin tưởng rằng sống lâu sẽ trở thành “senile dementia” và mất trí nhớ là một chuyện thường thấy ở người già. Nhưng đến năm 1906, một bác sĩ chuyên về thần kinh bệnh lý người Đức, Alois Alzheimer, nhìn dưới kính hiển vi não bộ nhiều người tương đối trẻ chết vào khoảng năm mươi hoặc sáu mươi tuổi. Ông ta thấy ở nhiều vùng dây thần kinh não bị thay đổi và tin tưởng rằng chuyện này chỉ có ở những người sớm bị rối bời. Do đó trong nhiều năm, các bác sĩ đều giới hạn chẩn đoán bệnh Alzheimer cho những người trẻ có dấu hiệu mất trí. Nhưng ngày nay ta biết rằng cả người già với mất trí tuổi già cũng có những dây thần kinh bị rối bời. Nói tóm lại, bệnh Alzheimer là bệnh có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào chứ không phải chỉ ở người già.

Những ai hay bị Alzheimer?

Làm sao để nhận ra là mình bị bệnh Alzheimer? Thực ra không có những rủi ro cụ thể nhưng có một vài những yếu tố mà thống kê đã nêu ra.

-Tuổi tác: Nước Mỹ có khoảng trên 4 triệu người bị Alzheimer, hầu hết đều trên sáu mươi tuổi. Trong các nhà người già thì quá nửa bị bệnh Alzheimer; số còn lại đều bị tổn thương não bộ vì tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson và các bệnh về thần kinh khác.

Gia đình: Bệnh này thường thấy ở đàn bà nhiều hơn đàn ông (có lẽ là đàn bà sống lâu hơn đàn ông chăng).

Di truyền: Một gen đặc biệt gọi là ApoE, thường thường nằm trên nhiễm thể số 19 là dấu hiệu cho hay có thể mắc bệnh này ở 15% dân chúng. Tuy nhiên nếu chẳng may ta ở trong trường hợp này thì cũng đừng hốt hoảng vì có người chẳng bao giờ bị bệnh Alzheimer.

Có những nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh Alzheimer nhưng chưa được chứng nhận. Đó là thiểu năng tuyến giáp và nghiện rượu.

Dấu hiệu của bệnh Alzheimer

Khi một người mắc bệnh Alzheimer thì mọi chức năng của não bộ sẽ xuất hiện: trí nhớ, hành vi, lơ đãng, thay đổi tính tình, cá tính, suy luận cử động và sự phối hợp. Có một điểm đặc biệt là người bị bệnh mất khả năng làm ngược lại mà chúng ta học được khi còn bé. Chẳng hạn như: điều trước tiên mà bé sẽ làm là nuốt; rồi nhận ra bà mẹ và đáp lời mẹ hoặc người giữ trẻ; sau đó em bé sẽ nhắc lại từng chữ; rồi em biết đi; tiếp theo là biết đi cầu và tiểu tiện; và cuối cùng là em bé biết chuyện trò, luyện trí nhớ và biết suy luận. Trong bệnh Alzheimer, các chức năng suy nghĩ ra đi trước hết. Triệu chứng đầu tiên là suy yếu sự học hành và mất khả năng nhớ, thiếu suy luận, khó khăn khi làm việc phức tạp, thay đổi tính tình, rối loạn trí nhớ và thiếu sự định hướng. Và tiếp theo là mất khả năng kiểm soát sự đi tiểu và đi cầu; và đi lại trở nên khó khăn. Vì các khả năng vận động không còn nữa, người bệnh không đi lại khi không có người trợ giúp, không nuốt được như thường lệ và thường hay chết vì hút phải nước hoặc chất lỏng vào trong phổi.

Chẩn đoán bệnh Alzheimer

Không có một dấu hiệu đáng tin cậy để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Kể cả những máy tối tân nhất cũng không tìm ra được những mảng dây thần kinh rối bời trong não của người bệnh còn sống. Một chất đạm bất thường có tên là Alzheimer Disease Associated Protein ADAP mới được tìm ra ở não của một người vừa mới chết vì bệnh Alzheimer. Hy vọng là trong một ngày gần đây các khoa học gia có thể tìm ra một thí nghiệm nào đó trong nước tủy sống hoặc trong máu để xác định bệnh Alzheimer. Cho tới bây giờ, các bác sĩ chỉ biết chẩn đoán bệnh Alzheimer sau khi tất cả nguyên nhân có thể gây ra lú lẫn được loại bỏ.

Vì có những giới hạn như vậy cho nên Alzheimer là một trong các bệnh hay bị đoán nhầm ở lớp người cao tuổi. Khi bệnh đã được nghi ngờ, một cuộc khám kỹ càng hơn để loại trừ các nguyên nhân khác. Và việc khám bệnh phải bao gồm khám tổng quát, hỏi cho kỹ về lịch sử gia đình, cách ăn uống, chấn thương thần kinh, lạm dụng thuốc cấm hoặc những vấn đề sức khỏe khác.

Một cuộc phân tích về tình trạng tinh thần cũng cần được thực hiện. Đa số các bác sĩ gia đình không được huấn luyện để làm như vậy và nếu được huấn luyện thường thường họ cũng xin ý kiến của các nhà chuyên môn về thần kinh, tâm lý gia hoặc bác sĩ chuyên về thần kinh tâm trí. Không có một cuộc khám bệnh Alzheimer được coi như hoàn hảo nếu không có việc đo não điện đồ để phân tích các làn sóng của não, một cắt lớp não CT scan để xem hình thể của nó ra sao. Một MRI và PET để tìm hiểu tình trạng sinh hoạt của não bộ cũng nên làm tuy tốn kém và đôi khi không cần thiết, ngoại trừ khi muốn loại bỏ các u bướu, cục máu dưới màng não… Vì vậy, để chắc ăn, nên hỏi các bác sĩ chuyên về thần kinh, nếu thấy cần.

Điều trị bệnh Alzheimer

Các dấu hiệu của bệnh Alzheimer thường ở trong tình trạng vừa phải trong một thời gian lâu cho nên người bệnh có thể sống ở nhà với người thân mà ít cần phiền tới người khác. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển thì đa số họ cần được chăm sóc kỹ càng hơn, về cách ăn uống, ăn mặc và thường xuyên theo dõi.

Mặc dù không có một điều trị đặc biệt cho người bị Alzheimer nhưng mỗi bệnh nhân cần được cho dùng những viên đa sinh tố vì khẩu phần của họ rất phức tạp. Thường thường mỗi bệnh nhân cũng được cho dùng thêm Gingo biloba mỗi ngày để tăng máu dồn về não bộ, tim và tứ chi.

Các loại dược phẩm như Tacrine (Cognex) và donepezil (Aricept) đã được dùng để chữa bệnh Alzheimer. Và chúng trong một vài trường hợp có thể làm tăng trí nhớ người bệnh. Nên dùng chúng.

Tóm tắt về bệnh Alzheimer

1-Alzheimer là một bệnh đặc biệt mà nguyên nhân chưa được biết rõ và chắc chắn là đưa tới lú lẫn. Nó không phải là điều tránh được ở tuổi già.

2- Sự chẩn đoán bệnh là do loại trừ. Cho tới bây giờ chưa có một phương pháp nào để đoán bệnh trong suốt cuộc đời người bệnh. Sự chẩn đoán chỉ thực hiện được sau khi khám não bộ của bệnh nhân đã chết.

3-Một y sử gia đình của người bị Alzheimer chỉ tăng rủi ro mắc bệnh cho ta một phần nào.

4-Có một số gen bệnh Alzheimer đã được tìm thấy. Tuy nhiên, những ai có gen đó chưa chắc đã bị bệnh và người không có gen cũng bị bệnh như thường.

5-Thường thường bệnh Alzheimer hay bị chẩn đoán quá hoặc nhầm ở người lớn tuổi bởi vì có nhiều thay đổi giống như triệu chứng và nguyên nhân của lú lẫn. Không giống như bệnh Alzheimer, một số những điều này có thể phòng ngừa và điều trị được. Không bao giờ chẩn đoán bệnh Alzheimer mà không có bác sĩ thần kinh khám kỹ.

6- Thay đổi nếp sống kể cả chế độ dinh dưỡng bớt chất béo, học hỏi và vận động cơ thể có thể giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer.

7- Nhiều dược phẩm như là các chất chống oxy hóa, chống viêm, kích thích tố, ginkgo và vitamin E có thễ giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer.

8- Trên thị trường hiện nay chỉ có một số rất ít các chất có thể giúp người bệnh và nên nhớ rằng không có chất nào công hiệu cả. Cho nên sự hỗ trợ của thân nhân là điều quan hệ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Ý-Đức

    Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, Tuổi Ất Hợi, Nguyên quán Hải Dương. Hiện đang cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.

    Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa tại Đại Học Y - Dược Sài Gòn năm 1963. Hành nghề Y Khoa Gia Đình, tại Việt Nam và Hoa Kỳ gần 50 năm. Hiện đã về hưu và đang định cư tại Hoa Kỳ.

    Tác giả của nhiều sách và bài viết tiếng Việt về sức khỏe, dinh dưỡng và những vấn đề y tế xã hội đã được in, phát hành ở Hoa Kỳ và Việt Nam.

    Hợp tác với chương trình phát thanh VOA, RFI, RFA, Việt Nam Hải Ngoại, VietRadio, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio Canada, và truyền hình trong ngoài nước như O 2TV, Vietface TV, Vietv, CMG TV, báo như Tuần Báo Trẻ, Người Việt, Việt Vùng Vịnh, Thời Báo, Bút Việt, Á Châu Thời Báo, Thằng Mõ, Hướng Đi… Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên Việt Nam Canada và YKHOANET thực hiện để phổ biến các tin tức y học, nâng cao sức khỏe dân chúng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG