Đường dẫn truy cập

Ấn Độ coi Việt Nam là 'đối tác tự nhiên' chống bành trướng TQ


Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)

Kể từ khi Ấn Độ áp dụng chính sách ‘hướng Đông’, New Dehli đã dần dà tăng sự hiện diện, nâng cao hợp tác với các nước trong khu vực, và từng bước can dự nhiều hơn vào các vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở chính sách đối ngoại này, New Dehli trong nhiều năm qua đã tạo lòng tin, tăng cường hỗ trợ và hợp tác với Hà nội.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam hôm 29/7 thông báo cho Ấn Độ những diễn biến tại bãi Tư Chính, khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng với 35 tàu hộ tống vào vùng biển “thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/7”, báo Economic Times của Ấn Độ trích lời một quan chức Việt Nam nói Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại nơi này, và những khó khăn mà Việt Nam vấp phải trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên trong lãnh hải của mình xung quanh bãi Tư Chính, nơi mà Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) từng có các dự án thăm dò dầu khí với Việt Nam.

Báo Economic Times dẫn lời quan chức Việt Nam không nêu danh tính nói:“Chúng tôi đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, vì Ấn Độ là một trong các bên có lợi ích gắn liền với vùng biển này và là một tác nhân quan trọng trong khu vực.”

“Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam...
Josh Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại

Các hành động của Trung Quốc làm gián đoạn các dự án thăm dò dầu khí của Việt Nam bên trong lãnh hải Việt Nam, đã châm ngòi cho cuôc đối đầu gay gắt nhất giữa hai nước cộng sản láng giềng, tính từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của Việt Nam, dẫn tới các cuộc biểu tình bạo động nhất chống Trung Quốc, và củng cố quyết tâm muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố các hành động của Trung Quốc ‘vi phạm luật pháp quốc tế’ và ‘xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’.

Ấn Độ từ trước tới giờ vẫn hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cũng như quyền của các nước trong khu vực được tiếp cận các nguồn tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

Báo Ấn Độ dẫn các nguồn tin từ Việt Nam cho biết Hà nội đã nêu vấn đề này lên các cấp chính quyền Trung Quốc và sẽ xét tới một “giải pháp pháp lý”, nếu Bắc Kinh không rút ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ qua email hôm 29/7, ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), nói New Dehli muốn trở thành một lực đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, và coi Việt Nam là một đối tác ‘tự nhiên’.

Ông Kurlantzick nói:

“Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam. Theo tôi thì từ góc nhìn của New Dehli, các lợi ích của Ấn Độ là thứ nhất, phóng ra xa sức mạnh và ảnh hưởng của mình, và thứ hai, xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết lại với nhau để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.”

Các nhà ngoại giao Việt Nam được Economic Times dẫn lời nói rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần nhiều lô dầu nằm trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Việt Nam, và như vậy rõ ràng Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Josh Kurlantzick tránh trả lời câu hỏi liệu ông có đồng ý với nhận định đó hay không.

Nhưng ông cho rằng trong tương lai Việt Nam và Ấn Độ sẽ là những đối tác an ninh ngày càng quan trọng của nhau, bởi vì theo lời ông, ngoài Hoa Kỳ thì Ấn Độ là đối tác an ninh ‘tự nhiên nhất’ của Việt Nam, xét Nhật Bản, tuy cũng là một đối tác quan trọng, nhưng còn bị giới hạn vì hiến pháp chủ hòa của nước này.

Truyền thông Ấn Độ tường thuật rằng ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác để bày to lo ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc, đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu hỏa của Việt Nam ngay trong lãnh hải và thềm lục địa của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG