Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB nói triển vọng của các nền kinh tế Á Châu đang trỗi dậy rất lạc quan khi bước vào năm 2016 với tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ và Đông nam Châu Á bù đắp cho tình trạng trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ADB cũng nhìn thấy những rủi ro trước mắt, theo tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben.
Trong phúc trình về triển vọng thường niên công bố hôm nay, Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB tỏ ra lạc quan về các nền kinh tế Châu Á mặc dầu mức tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại xuống tới một mức chưa từng thấy trong gần 25 năm.
Nhưng nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi những tiến bộ kinh tế ở Ấn Độ và đông nam Châu Á, một sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ và giá dầu sụt giảm trên thế giới, theo nhận định của ngân hàng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hong Kong được truyền hình trực tiếp trên mạng internet, kinh tế gia trưởng của ADB, ông Shang Jin-Wei nói triển vọng nói chung là lạc quan trong 2 năm sắp tới.
“Sự tăng trưởng của các nước đang phát triển ở Châu Á giữ vững và dự kiến sẽ ở mức 6,3% trong năm nay và năm tới. Đó là nhờ vào Ấn Độ và Indonesia với thành tích tốt hơn trước đây, bù đắp vào mức tăng trưởng chậm lại ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa PRC. Áp lực lạm phát thấp hơn nhờ một sự phối hợp giữa các cải cách về chính sách tiền tệ trong nước, như ở Ấn Độ, và giá sản phẩm thấp hơn.”
Tại đông nam Châu Á, mức tăng trưởng của Thái Lan cũng sẵn sàng được cải thiện góp phần vào triển vọng kinh tế tốt hơn cho toàn vùng.
Nhiều nước trong khắp khu vực, trong đó có Ấn Độ và Indonesia, đã cắt giảm trợ giá dầu trong bầu không khí giá dầu thấp hơn, cải thiện các thành tích tài chính và ngân sách và mở đường cho việc chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ xã hội.
Nhưng nền kinh tế của Trung Quốc, lực đẩy chính trong khu vực, dự kiến sẽ chậm lại với mức tăng trưởng thường niên dự kiến là 7%, một phần vì đầu tư sụt giảm, nhất là trong ngành địa ốc. Kinh tế gia Wei nói chi phí lao động tăng cao, và trị giá tiền tệ Trung Quốc là đồng nhân dân tệ cũng tăng, góp phần vào sự sụt giảm tăng trưởng.
Tại đông nam Châu Á, vào lúc chính thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN chuẩn bị khai trương chính thức, các nền kinh tế năm nay sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trong năm 2016 tăng lên trên 5%. Triển vọng các nền kinh tế ở Thái Bình Dương cũng tốt đẹp.
Nhưng ở Trung Á, nơi tăng trưởng vốn đã chậm lại vì giá dầu sụt và tác động của cuộc suy thoái ở Nga, tăng trưởng kinh tế sẽ “trì trệ” thêm, theo ADB.
ADB cũng cảnh báo về nhiều yếu tố rủi ro, trong đó có những “sai lầm” về chính sách trong việc điều tiết kinh tế của Trung Quốc, một sự chậm lại trong các cải cách kinh tế của Ấn Độ, và những bất định phát xuất từ vụ khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.
Một mối quan ngại khác là khả năng lãi suất ở Hoa Kỳ có thể tăng khiến các quỹ đầu tư bị rút ra khỏi Châu Á và gây bất ổn cho các thị trường tài chính. Ngân hàng nói có thể có hiện tượng giá dầu tăng trở lại gây thiệt hại cho các tiến bộ đã đạt được nhờ giá nhiên liệu thấp hơn.