Đường dẫn truy cập

Ấn Độ gặp vụ khô hạn đầu tiên trong ba năm nay


Người nông dân này đang ngồi trên một cánh đồng bị khô hạn, nứt nẻ ở Jammu, Ấn Độ, thứ Sáu 03/08/2012
Người nông dân này đang ngồi trên một cánh đồng bị khô hạn, nứt nẻ ở Jammu, Ấn Độ, thứ Sáu 03/08/2012
Ấn Độ gặp vụ khô hạn đầu tiên trong ba năm nay, lượng nước trong mùa mưa năm nay sụt giảm gần 20 phần trăm.

Trong một phúc trình công bố tối thứ Năm, cơ quan Khí tượng Ấn Độ nói hơn một nửa Ấn Độ (56 phần trăm) ít mưa trong khoảng thời gian giữa tháng Sáu và tháng Tám năm nay.

Các khu vực ở miền tây bắc, trong đó có các bang sản xuất lương thực như Punjab, bị ảnh hưởng nặng bởi các điều kiện thời tiết giống như hạn hán.

Hôm thứ Sáu, người đứng đầu cơ quan Khí tượng, ông Laxman Singh Rathore, nói với các nhà báo rằng trong thời gian còn lại của mùa mưa năm nay không hy vọng là lượng mưa sẽ khá hơn. Ông nói lượng mưa trên toàn quốc từ tháng Tám tới tháng Chín chắc sẽ chỉ chừng 91 phần trăm lượng mưa trung bình trong giai đoạn này.

Mùa mưa cung cấp nước cho hơn một nửa hoa màu của Ấn Độ, nhiều nông dân đã dựa vào các máy bơm nước ngầm để tưới đất. Sử dụng các máy phát điện dùng dầu diesel để chạy máy bơm đã góp phần làm gia tăng mức cầu điện trên khắp nước, khiến những mạng lưới điện phải vất vả để duy trì hoạt động.

Hồi đầu tuần này hai mạng lưới điện không hoạt động được khiến hằng trăm triệu người Ấn Độ bị cắt điện.

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Nông nghiệp Sharad Pawar và Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Jaiman Ramesh đã đi thăm các nông trại tại bang Gujarat ở miền tây để thẩm định tình hình khô hạn.

Bộ trưởng Pawar nói rằng, chính phủ liên bang sẽ thực hiện những hành động thích đáng để đáp ứng nhu cầu có thêm cơ sở thủy lợi và mạng lưới điện.

Lượng nước sút giảm trong mùa mưa năm nay và vụ khô hạn theo sau đã gây tai hại thêm cho nền kinh tế Ấn Độ, đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao và mức tăng trưởng chậm.

Chính phủ nói họ sẽ duyệt lại luật lệ xuất khẩu nông sản vào tháng tới. Ấn Độ là nước sản xuất lúa mì, gạo, và đường, lớn hàng thứ nhì thế giới. Sản lượng thấp có thể đưa tới lệnh cấm xuất khẩu một số nông sản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG